Có những hình thức công khai thông tin nào hiện nay? Tự ý công khai công tin của người khác bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Các hình thức công khai thông tin năm 2022?
Theo quy định tại các Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Luật Tiếp cận thông tin 2016 như sau:
* Đăng tải trên cổng thông tin điện tử
Các thông tin được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử bao gồm:
- Văn bản quy phạm pháp luật; điều ước quốc tế; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước.
- Thông tin hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách.
- Chương trình, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước.
- Thông tin về danh mục dự án, chương trình và kết quả thực hiện đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công,...
- Báo cáo tài chính năm; thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học.
- Các thông tin nếu xét thấy cần thiết công khai vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng...
Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước phải được liên kết, tích hợp với cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan trực thuộc để cập nhật thông tin, tạo thuận lợi cho người dân tìm kiếm, khai thác thông tin.
Trường hợp cơ quan đó chưa có cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử thì phải công khai thông tin bằng hình thức thích hợp khác.
* Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng
Theo Điều 20 Luật Tiếp cận thông tin 2016, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng những thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Việc đăng, phát thông tin trên báo chí phải tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí. Khi đăng, phát thông tin, cơ quan thông tin đại chúng phải bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, kịp thời đến người dân.
* Công khai bằng cách đăng Công báo
Theo Điều 21 Luật Tiếp cận thông tin 2016, việc đăng Công báo để công khai thông tin đến người dân phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, ấn phẩm Công báo được xuất bản dưới hình thức Công báo in và Công báo điện tử. Trong đó:
- Công báo in là Công báo được in trên bản giấy.
- Công báo điện tử là bản điện tử của Công báo in, được đăng khi Công báo in phát hành.
* Niêm yết tại trụ sở cơ quan và các địa điểm khác
Cũng theo Điều 21 Luật Tiếp cận thông tin 2016, việc niêm yết công khai thông tin tại trụ sở cơ quan nhà nước hoặc các địa điểm được chỉ định khác phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, trong đó tuân thủ yêu cầu về địa điểm và thời gian niêm yết.
Trường hợp thông tin được yêu cầu công khai bằng hình thức niêm yết mà pháp luật chưa quy định cụ thể về địa điểm, thời hạn niêm yết thì thông tin đó phải được niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước hoặc địa điểm sinh hoạt cộng đồng trong thời hạn ít nhất là 30 ngày.
Trên đây là 04 hình thức công khai thông tin theo quy định của loại. Ngoài các hình thức công khai đã nêu, thông tin còn còn có thể được công khai thông qua:
- Việc tiếp công dân, thông cáo báo chí, họp báo, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước.
- Các hình thức công khai khác tạo thuận lợi cho công dân do cơ quan nhà nước xác định.
Có những hình thức công khai thông tin nào hiện nay? Tự ý công khai công tin của người khác bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Người dân được tiếp cận những loại thông tin nào?
Theo quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013, công dân có quyền tiếp cận thông tin. Việc thực hiện các quyền tiếp cận thông tin của công dân sẽ do pháp luật quy định cụ thể.
Cùng với đó, Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng nêu rõ, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Vấn đề hạn chế quyền tiếp cận thông tin chỉ đặt ra khi pháp luật có quy định.
Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin 2016, người dân được tiếp cận các loại thông tin sau:
- Thông tin của cơ quan nhà nước, trừ các nhóm thông tin sau:
+ Thông tin thuộc bí mật nhà nước: Thông tin có nội dung quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác. Khi thông tin này được giải mật thì công dân được quyền tiếp cận.
+ Thông tin mà nếu để người dân tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng; nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo lưu hành nội bộ.
- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh: Được tiếp cận khi chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.
- Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân: Được tiếp cận khi cá nhân đó đồng ý.
- Thông tin liên quan đến bí mật gia đình: Được tiếp cận khi các thành viên gia đình đồng ý.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý.
Tự ý công khai công tin của người khác bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP), việc thu thập sử dụng trái phép thông tin cá nhân bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi:
+ Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó.
+ Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
- Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với các hành vi:
+ Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của người đó.
+ Cung cấp/chia sẻ/phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người đó
+ Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
Như vậy, tự ý công khai công tin của người khác có thể bị xử phạt lên đến 60 triệu đồng.
Mức phạt tiền của cá nhân sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền của tổ chức quy định bên trên.
Trịnh Ngọc Diệp
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công khai thông tin có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?
- Mẫu bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn sử dụng trong đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non?
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?