Có thể thực hiện luân chuyển công chức với thời gian ít hơn 03 năm không? Hồ sơ đối với công chức luân chuyển gồm những gì?
Luân chuyển công chức là gì? Đối tượng, phạm vi luân chuyển công chức ra sao?
Căn cứ theo nội dung được quy định tại khoản 11 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 có định nghĩa về luân chuyển như sau:
Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.
Theo đó, có thể hiểu luân chuyển công chức là việc cử hoặc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sang giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý khác trong một khoản thời gian nhất định. Công chức luân chuyển vẫn được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyễn theo nội dung yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Về đối tượng, phạm vi luân chuyển công chức, căn cứ quy định tại Điều 55 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:
Đối tượng, phạm vi luân chuyển
1. Đối tượng luân chuyển:
a) Công chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch của cơ quan, tổ chức;
b) Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan;
c) Công chức lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương.
2. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
3. Chức danh bố trí luân chuyển thực hiện theo chủ trương của Đảng và của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, 03 nhóm đối tượng luân chuyển công chức sẽ gồm có:
- Công chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch của cơ quan, tổ chức;
- Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan;
- Công chức lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương.
Bên cạnh đó, phạm vi luân chuyển công chức được căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Có thể thực hiện luân chuyển công chức với thời gian ít hơn 03 năm không? Hồ sơ đối với công chức luân chuyển gồm những gì?
Có thể thực hiện luân chuyển công chức ít hơn 03 năm không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về thời gian luân chuyển như sau:
Thời gian luân chuyển
Thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm (36 tháng) đối với một lần luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo quy định trên thì thời gian luân chuyển công chức sẽ ít nhất là 03 năm, điều này có nghĩa là thời gian luân chuyển công chức phải từ 03 năm trở lên. Tuy nhiên, quy định nêu trên có đề cập đến các "trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", do đó sẽ có những trường hợp thời gian luân chuyển công chức không giống với thời gian được quy định.
Như vậy, có thể thực hiện luân chuyển công chức trong thời gian ít hơn 03 năm nhưng phải rơi vào trường hợp đặc biệt và được xem xét, quyết định bởi cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ đối với công chức luân chuyển gồm những gì?
Căn cứ quy định tại Điều 60 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, hồ sơ thực hiện luân chuyển công chức sẽ được lập tương tự hồ sơ bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại Điều 48 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.
Dẫn chiếu đến Điều 48 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:
Hồ sơ bổ nhiệm
Hồ sơ nhân sự bổ nhiệm phải được kê khai trung thực, chính xác, đầy đủ nội dung nêu tại các mục và phải được cấp có thẩm quyền xác nhận hoặc chứng thực theo quy định, bao gồm:
1. Tờ trình về việc bổ nhiệm do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ký (đối với trường hợp trình cấp trên có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm); hoặc do người đứng đầu cơ quan phụ trách về công tác tổ chức cán bộ ký (đối với trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định);
2. Bản tổng hợp kết quả kiểm phiếu kèm theo biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình bổ nhiệm;
3. Sơ yếu lý lịch do cá nhân tự khai theo mẫu quy định, được cơ quan trực tiếp quản lý xác nhận, có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
4. Bản tự kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất;
5. Nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, về năng lực công tác, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất;
6. Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình. Trường hợp nơi cư trú của bản thân khác với nơi cư trú của gia đình thì phải lấy nhận xét của chi ủy nơi bản thân cư trú và nơi gia đình cư trú;
7. Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị;
8. Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định;
9. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định;
10. Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng.
Như vậy, hồ sơ luân chuyển công chức sẽ bao gồm các tài liệu, giấy tờ thuộc nội dung nêu trên.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Luân chuyển công chức có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi nào thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng? Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động khiển trách và kéo dài thời hạn nâng lương cùng lúc được không?
- Công trình xử lý chất thải là gì? Đất công trình xử lý chất thải là gì? Đất công trình xử lý chất thải thuộc nhóm đất nào?
- Sau khi nộp tiền thuế, người nộp thuế có được nhận chứng từ thu tiền thuế? Trách nhiệm nộp tiền thuế của người nộp thuế?
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?