Công ty cầm đồ cho vay bị điều tra sai phạm về việc cho vay nặng lãi thì người vay có được xóa nợ vay không?
- Công ty cầm đồ có được phép thực hiện cho vay không?
- Lãi suất cho vay của công ty cầm đồ theo pháp luật quy định hiện nay là bao nhiêu?
- Hành vi cho vay lãi nặng thì bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
- Có được xóa nợ vay khi công ty cho vay bị điều tra sai phạm về việc cho vay lãi nặng không?
Công ty cầm đồ có được phép thực hiện cho vay không?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (ANTT).
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam, cầm đồ được xếp vào nhóm các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Hoạt động kinh doanh cầm đồ thường được đăng ký theo mã ngành nghề 6492: Hoạt động cung cấp tín dụng khác.
Đồng thời, theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, hoạt động cung cấp tín dụng khác (6492) bao gồm:
- Các hoạt động dịch vụ tài chính chủ yếu liên quan đến việc hình thành các khoản cho vay của các thể chế không liên quan đến các trung gian tiền tệ (như là các công ty đầu tư vốn mạo hiểm, các ngân hàng chuyên doanh, các câu lạc bộ đầu tư). Các tổ chức này cung cấp các dịch vụ sau đây:
- Cấp tín dụng tiêu dùng;
- Tài trợ thương mại quốc tế;
- Cấp tài chính dài hạn bởi các ngân hàng chuyên doanh;
- Cho vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng;
- Cấp tín dụng cho mua nhà do các tổ chức không nhận tiền gửi thực hiện;
- Dịch vụ cầm đồ.
Căn cứ tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định: Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.
Như vậy, công ty cầm đồ là công ty thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực hiện kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.
Lãi suất cho vay của công ty cầm đồ theo pháp luật quy định hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể lãi suất cho vay hiện nay như sau:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Bên cạnh đó, tại Điều 29 Nghị định 96/2016/8NĐ-CP có quy định như sau:
Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ
...
6. Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo đó, lãi suất cho vay khi tiến hành cầm cố tài sản tại công ty cầm đồ không được vượt quá lãi suất tối đa theo quy định của pháp luật về dân sự.
Từ những quy định nêu trên có thể hiểu rằng lãi suất cho vay khi cầm đồ sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tức lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là 1,666%/tháng.
Công ty cầm đố cho vay với lãi suất vượt quá 20%/năm khi thực hiện hoạt động cầm cố tài sản thì được xem là hành vi cho vay nặng lãi.
Công ty cho vay bị điều tra sai phạm về việc cho vay nặng lãi thì người vay có được xóa nợ vay không?
Hành vi cho vay lãi nặng thì bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
Phạt tiền:
Căn cứ tại Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, tại điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
...
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
d) Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
đ) Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
Theo đó, trường hợp nếu mức lãi suất cá nhân cho vay trên mức 20%/năm nhưng lại chưa đến mức 100%/năm để bị xử lý hình sự hoặc hoặc tính chất của hành vi vi phạm chưa đủ mức xử lý hình sự thì cá nhân đó sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần cá nhân (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Căn cứ theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau:
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với trường hợp sau:
- Nếu như có hoạt động cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên và có thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng
- Hoặc đã bi xử phạt hành chính về hành vi cho vay nặng lãi
- Hoặc đã bị kết án về hành vi cho vay nặng lãi nhưng chưa xóa án tích.
Trường hợp người cho vay lãi cao mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Có được xóa nợ vay khi công ty cho vay bị điều tra sai phạm về việc cho vay lãi nặng không?
Về vấn đề này thì tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất cho vay, trong đó quy định nêu rõ lãi suất được pháp luật cho phép là 20%/năm.
Theo đó, trường hợp công ty cho vay bị điều tra sai phạm về việc cho vay lãi nặng thì sẽ xử lý theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Lãi suất
...
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Theo đó, đối với khỏa lãi suất vay khi thực hiện cầm cố tài sản cao hơn mức giới hạn lãi suất 20%/năm thì phần vượt quá giới hạn đó sẽ không có hiệu lực.
Do đó, người vay tiền khi cầm cố tài sản có thể sẽ được xóa nợ đối với khoản lãi suất vượt quá giới hạn mà thôi.
Trường hợp khoản lãi cao hơn quy định mà người vay đã trả cho công ty cho vay thì được xác định là khoản thu lợi bất chính, cơ quan chức năng sẽ sung công quỹ khoản tiền này theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, cụ thể như sau:
Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm
1. Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với:
a) Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay;
b) Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay.
c) Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.
2. Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Nguyễn Trần Hoàng Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cho vay nặng lãi có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?
- Trình độ chuẩn với giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trường đại học? Chế độ bồi dưỡng giờ giảng đối với giảng viên?
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?