Của hồi môn là gì? Khi một bên hủy hôn thì bên còn lại có quyền đòi của hồi môn đã tặng hay không?
Của hồi môn là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm của hồi môn, tuy nhiên dựa vào cách hiểu thông dụng nhất chúng ta có thể hiểu:
Của hồi môn là cụm từ mang ý nghĩa chỉ về món quà mà con gái sẽ được ba mẹ tặng khi lập gia đình, kỷ niệm ngày rời xa vòng tay yêu thương của ba mẹ.
Hoặc bạn cũng có thể hiểu của hồi môn là khoản tiền, vật chất mà gia đình bên nam tặng cho con dâu khi con trai của họ và người con gái đó kết hôn.
Của hồi môn có thể là quần áo, trang sức, vật dụng, tiền bạc,… .
Đa phần của hồi môn được tặng cho người con gái với điều kiện cả hai người phải tiến hành lễ kết hôn với nhau.
Của hồi môn được coi là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chúng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:
Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Theo đó, tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản chung của vợ chồng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ chồng như sau:
Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP cũng quy định về tài sản riêng của vợ chồng như sau:
Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật
1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Dựa vào những quy trên chúng ta có thể thấy:
Trường hợp của hồi môn là quà tặng của bố mẹ trao cho cô dâu trong ngày cưới nhưng không nói là tặng riêng cho cô dâu thì tài sản được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Trường hợp của hồi môn là quà cưới mà dành để tặng riêng cho cô dâu thì đây được xem là tài sản riêng của cô dâu.
Của hồi môn là gì? Khi một bên hủy hôn thì bên còn lại có quyền đòi của hồi môn đã tặng hay không? (Hình từ internet)
Khi một bên hủy hôn thì bên còn lại có quyền đòi của hồi môn đã tặng hay không?
Trong phạm vi của bài viết, chúng ta xem xét của hồi môn là quà của bố mẹ bên chồng tặng cho con dâu.
Thông thường quà cưới (của hồi môn) của gia đình bên trai sẽ tặng cho người phụ nữ trong lễ hỏi của hai bên và mặc định có thể hiểu rằng quà việc tặng tài sản có giá trị này cho người con dâu tương lai tất yếu phải đi kèm theo điều kiện cả hai phải tổ chức kết hôn và người con gái phải trở thành con dâu của họ. Trường hợp này được xem là tặng cho quà có điều kiện.
Căn cứ theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho quà có điều kiện như sau:
Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo đó, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp của hồi môn là quà tặng của gia đình nam tặng cho con dâu trong lễ ăn hỏi nhằm đảm bảo điều kiện kết hôn của hai người nhưng cả hai không tiến hành kết hôn thì bên tặng cho có quyền đòi lại của hồi môn và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Phạm Văn Quốc
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài sản chung của vợ chồng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?