Hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao gồm có những tài liệu gì?
Hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao gồm có những tài liệu gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao gồm có những tài liệu sau:
- Tờ trình của thủ trưởng cơ quan, đơn vị kèm theo danh sách cá nhân, tập thể được đề nghị xét khen thưởng, ý kiến của (cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan) theo Mẫu ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng 2022;
- Biên bản họp “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc Biên bản “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Biên bản kiếm phiếu;
- Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể đề nghị xét khen thưởng theo Mẫu ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao (02 bản chính: 01 bản lưu tại cơ quan, đơn vị; 01 bản gửi Tòa án nhân dân tối cao);
Trường hợp báo cáo thành tích của cá nhân đề nghị xét khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở” có đề tài, sáng kiến thì phải nêu rõ nội dung các giải pháp trong công tác và quản lý đem lại hiệu quả thiết thực, phạm vi ảnh hưởng, kèm theo ý kiến xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý theo thẩm quyền (trường hợp đề tài, sáng kiến đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thì gửi kèm bản sao giấy chứng nhận thay cho ý kiến xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị);
- Tờ trình kèm theo Biên bản Hội nghị tổng kết và Biên bản kiểm phiếu đề nghị của cụm thi đua đối với trường hợp đề nghị xét khen thưởng danh hiệu “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”;
- Các file điện tử của hồ sơ đề nghị xét tặng (ở định dạng: .doc đối với tờ trình, báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể đề nghị xét khen thưởng ở định dạng: .Excel đối với danh sách và .pdf đối với các hồ sơ khác có liên quan) gửi đến hộp thư điện tử của Tòa án nhân dân tối cao (qua Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân).
Như vậy, cá nhân, tổ chức đề nghị xét tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cần nộp hồ sơ gồm các tài liệu trên.
Hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao gồm có những tài liệu gì? (Hình từ Internet)
Thủ tục xét khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện thế nào?
Căn cứ tại Điều 29 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định thủ tục xét khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao như sau:
Bước 1: Những trường hợp đề nghị xét khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải làm báo cáo thành tích để trình bày tại cuộc họp bình xét thi đua, khen thưởng của tập thể nhỏ hoặc của Tòa án nhân dân cấp huyện (đối với trường hợp thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện).
- Sau khi xem xét, đánh giá thành tích, tiến hành bỏ phiếu lựa chọn cá nhân, tập thể đạt Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo trình tự từ thấp lên cao.
- Người đứng đầu tập thể nhỏ, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện lập hồ sơ những trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề nghị xét khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” (đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao không có con dấu, tài khoản riêng) để xem xét.
- Thành phần “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” gồm: Tập thể lãnh đạo đơn vị; đại diện lãnh đạo: cấp ủy, công đoàn, đoàn thanh niên, tập thể nhỏ thuộc đơn vị (nếu có); đối với những đơn vị có lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sinh hoạt cùng thì mời tham dự để chỉ đạo.
Bước 2: Tổ chức phiên họp của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” để xem xét những trường hợp đề nghị khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khi có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên.
Bước 3: Căn cứ đề nghị của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị”; thủ trưởng cơ quan, đơn vị Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xét khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Bước 4: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tổ chức phiên họp để xem xét những trường hợp đề nghị khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định hoặc đề nghị. Tổ chức phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân khi có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên.
Bước 5: Căn cứ đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Quyết định khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Lưu ý:
- Mỗi vòng bỏ phiếu lựa chọn đề nghị khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ được tiến hành không quá 02 lần bỏ phiếu. Nếu sau 02 lần bỏ phiếu mà chưa lựa chọn được, thì việc xét khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Người có thẩm quyền quy định tại Điều 26 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC hoặc Trưởng cụm và Phó Trưởng cụm thi đua quyết định (đối với Cờ thi đua).
Trong trường hợp này, cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật hơn sẽ được ưu tiên xem xét, đề nghị khen thưởng.
- Đối với cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái xét khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trên cơ sở ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái.
- Đối với cá nhân chuyển công tác thì cơ quan, đơn vị mới có trách nhiệm xét khen thưởng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan, đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị cũ).
Tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thế nào?
Theo Điều 23 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC nêu rõ Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để tặng cho cá nhân, tập thể lập được thành tích thường xuyên hoặc đột xuất đạt tiêu chuẩn như sau:
(1) Đối với cá nhân (kể cả Hòa giải viên, Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân) gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
- Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua;
- Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc Tòa án nhân dân;
- Có 02 lần liên tục được khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị công nhận theo đề nghị của Hội đồng Khoa học - Sáng kiến cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;
- Đối với Hòa giải viên: có liên tục từ 02 năm trở lên hoàn thành xuất sắc công việc hòa giải, đối thoại; trong thời gian đó, đã được khen thưởng “Giấy khen”; được Chánh án Tòa án nhân dân cấp đề nghị khen xác nhận thành tích và thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi quản lý xác nhận nội dung chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật;
- Đối với Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân: có liên tục từ 02 năm trở lên hoàn thành tốt công việc Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân; được Chánh án Tòa án nhân dân cấp đề nghị khen xác nhận thành tích và thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi quản lý xác nhận nội dung chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật;
- Không khen thưởng “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” cho những trường hợp có thành tích nhưng đã được dùng để xét khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” hoặc các hình thức khen thưởng khác trong thời gian đề nghị xét khen thưởng “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” (trừ trường hợp có quy định khác).
(2) Đối với tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật, nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
- Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua;
- Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc Tòa án nhân dân;
- Có liên tục từ 02 năm trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được công nhận đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”;
- Không khen thưởng “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” cho những trường hợp có thành tích nhưng đã được dùng để xét khen thưởng “Cờ thi đua” hoặc các hình thức khen thưởng khác hàng năm (trừ trường hợp có quy định khác).
Theo đó, cá nhân, tập thể lập được thành tích thường xuyên hoặc đột xuất đạt tiêu chuẩn trên thì được xét tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Thông tư 01/2024/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 6 năm 2024.
Nguyễn Thị Thu Yến
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?
- Doanh nghiệp bảo hiểm bị sáp nhập thì có bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động hay không?
- Người bị bạo lực gia đình có được quyền lựa chọn chỗ ở khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc không?
- Quy hoạch chi tiết dự án cải tạo nhà chung cư phải có chỉ tiêu nào? Có thể lập quy hoạch đồng thời với đánh giá chất lượng nhà chung cư không?