Khi nào người có chức vụ, quyền hạn bị xác minh tài sản, thu nhập? Thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập được quy định thế nào?
Khi nào người có chức vụ, quyền hạn bị xác minh tài sản, thu nhập?
Căn cứ khoản 1 Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
- Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;
- Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;
- Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật này.
Khi nào người có chức vụ, quyền hạn bị xác minh tài sản, thu nhập? Thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được quy định thế nào?
Tại Điều 42 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có quy định về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập như sau:
Thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 41 của Luật này hoặc khi xét thấy cần có thêm thông tin để phục vụ cho công tác cán bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước;
b) Chủ tịch nước yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
c) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Thứ trưởng và chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
đ) Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;
e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp;
g) Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu xác minh đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
h) Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội;
i) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có nghĩa vụ kê khai yêu cầu hoặc kiến nghị xác minh đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản này.
2. Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xét thấy cần làm rõ về tài sản, thu nhập có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định trên.
Quyền và nghĩa vụ của người có chức vụ, quyền hạn được xác minh tài sản, thu nhập?
Quyền và nghĩa vụ của người có chức vụ, quyền hạn được xác minh tài sản, thu nhập được quy định tại Điều 47 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 bao gồm:
- Giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
- Cung cấp thông tin liên quan đến nội dung xác minh khi có yêu cầu của Tổ xác minh tài sản, thu nhập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã cung cấp.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời yêu cầu của Tổ xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập.
- Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về kiểm soát tài sản, thu nhập.
- Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xác minh tài sản, thu nhập.
- Được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người xác minh tài sản, thu nhập gây ra theo quy định của pháp luật.
Mạc Duy Văn
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Xác minh tài sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết đoạn văn 200 chữ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa? Đặc điểm môn Văn chương trình GDPT là gì?
- Lệnh giới nghiêm có phải được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khi được ban bố không?
- Mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường mới nhất? Báo cáo công tác bảo vệ môi trường có bắt buộc không?
- Chương trình hội nghị kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024 ngắn gọn, ý nghĩa? Chương trình kiểm điểm Đảng viên năm 2024?
- Báo cáo tự kiểm tra Đảng viên chấp hành năm 2024? Cách viết báo cáo tự kiểm tra Đảng viên chấp hành năm 2024 như thế nào?