Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 01/7/2022, lương của người lao động sẽ thay đổi như thế nào?
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng là 6%?
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành. Theo đó, đối với khu vực doanh nghiệp từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Đồng thời, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên người lao động rất cần được hỗ trợ sau giai đoạn dịch bệnh và giá cả leo thang. Bên cạnh đó, trong 2 năm liên tiếp từ năm 2020 Chính phủ chưa thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, vì thế thời điểm này đề xuất tăng lương tối thiểu vùng là hoàn toàn hợp lý. Việc tăng lương tối thiểu vùng ngoài việc giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại thì còn góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh chóng.
Tại phiên họp thứ 2 của Hội đông Tiền lương quốc gia, được chủ trì bởi ông Lê Văn Thanh Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp. Theo nội dung phiên họp, Tổng Liên đoàn lao động đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng thêm 7-8%. Tuy nhiên, kêt thúc phiên họp thứ hai Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng là 6% so với mức lương tối thiểu vùng hiện tại. Mức tăng này sẽ được áp dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2022.
Thống nhất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% của Hội đồng Tiền lương quốc gia
Mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành mà người lao động được nhận quy định như thế nào?
Theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp được quy định như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP thì người lao động làm việc đòi hỏi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì sẽ được nhận lương cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng. Người lao động đã qua học nghề đào tạo được quy định như sau:
- Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90-CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;
- Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;
- Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;
- Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
Từ 01/07/2022, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động đi làm tại doanh nghiệp thay đổi như thế nào?
- Đối với người lao động bình thường:
Theo mức tăng 6% lương tối thiểu vùng mới được Hội đồng Tiền lương quốc gia công bố và căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ thay đổi như sau:
+ Mức 4.680.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
+ Mức 4.160.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
+ Mức 3.640.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
+ Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
- Đối với người lao động đã qua đào tạo:
Giả sử người lao động làm việc qua học nghề, đào tạo nghề vẫn tiếp tục được nhận thêm ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng nêu trên, cụ thể mức lương tối thiểu mà người lao động qua học nghề, đào tạo nghề nhận được như sau:
+ Mức 5.010.00 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
+ Mức 4.450.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
+ Mức 3.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
+ Mức 3.480.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Vậy theo mức tăng lương tối thiểu vùng Hội đồng Tiền lương quốc gia mới công bố thì mức lương trên sẽ là mức lương thấp nhất người lao động được trả khi làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp.
Nguyễn Thành Đạt
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Lương tối thiểu vùng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người điều khiển ô tô có được dừng xe song song với xe khác không? Nếu không được thì có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?
- Cập nhật các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu mới nhất? Tải Luật thuế xuất nhập khẩu PDF hiện nay?