Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng 2024 ra sao? Thời điểm hưởng trợ cấp là khi nào?
Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng 2024 ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng 2024
- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
- Ngoài mức trợ cấp quy định trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng như sau:
Mức trợ cấp một lần | = | Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động | + | Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp |
= | {0,3 x Lmin + (m - 31) x 0,02 x Lmin} | + | {0,005 x L + (t - 1) x 0,003 x L} |
Trong đó:
Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
- m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).
- L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
- t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng 2024 ra sao? (Hình từ Internet)
Thời điểm hưởng trợ cấp hằng tháng là khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 50 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng như sau:
- Thời điểm hưởng trợ cấp hằng tháng được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú;
Trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 47 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Hồ sơ khám giám định lần đầu do tai nạn lao động chuẩn bị như thế nào?
Hồ sơ khám giám định lần đầu do tai nạn lao động được quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT bao gồm:
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT (sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT) đối với trường hợp người bị tai nạn lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT (sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT) đối với người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động;
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu quy định tại Quyết định 4069/2001/QĐ-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Mẫu hồ sơ bệnh án (hiện nay mẫu này thực hiện theo quy định mới tại Thông tư 32/2023/TT-BYT);
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư liên tịch 12/2012/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 21 tháng 5 năm 2012 của liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động (mẫu này thực hiện mới theo Phụ lục IX kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP);
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT (sửa đổi tại Thông tư 32/2023/TT-BYT). Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định.
Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định.
- Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.
Phạm Phương Khánh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tai nạn lao động có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?
- Khai quyết toán thuế là gì? Thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là bao lâu?
- Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở gồm những gì? Thời hạn lập Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất?
- Phổ cập giáo dục là gì? Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục cho cấp học nào? Ai thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục?
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?