Người lao động được nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa mấy ngày? Có mấy hình thức cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH?
Người lao động được nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa mấy ngày?
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT và Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT.
Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
- Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH;
- Riêng trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH;
- Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Người lao động được nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa mấy ngày? Có mấy hình thức cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH? (Hình từ Internet)
Có mấy hình thức cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH?
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư 56/2017/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT, các hình thức cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm được xác định như sau:
- Đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 07 tuổi của người lao động đã điều trị nội trú:
+ Giấy ra viện;
+ Đối với trường hợp có chuyển viện trong quá trình điều trị thì có thêm bản sao hợp lệ giấy chuyển viện;
+ Đối với trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì không phải cấp giấy ra viện. Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho khoảng thời gian người bệnh điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước khi tử vong được căn cứ vào thời gian ghi trên giấy báo tử;
- Đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 07 tuổi của người lao động đang điều trị ngoại trú:
+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;
+ Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh khi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ra sao?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT, khi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có các trách nhiệm sau:
- Cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong các trường hợp sau đây:
+ Bị mất, bị hỏng;
+ Người ký các giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền;
+ Việc đóng dấu trên các giấy chứng nhận không đúng quy định;
+ Có sai sót về thông tin được ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;
Trường hợp cấp lại phải đóng dấu "Cấp lại" trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;
- Bổ sung, sửa đổi nội dung trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp có sai sót về thông tin được ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Sau khi bổ sung, sửa đổi nội dung phải đóng dấu treo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (dấu đã đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội) tại phần nội dung bổ sung, sửa đổi;
- Thực hiện việc đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký sử dụng trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội như sau:
+ Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là pháp nhân: đăng ký mẫu dấu thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT;
+ Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân: đăng ký con dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mẫu chữ ký của người hành nghề được phép ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT;
+ Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thay đổi mẫu dấu hoặc thay đổi hoặc bổ sung người được ủy quyền ký thay thủ trưởng đơn vị tại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội:
Thông báo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện (theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nơi cơ sở đó đặt trụ sở trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi;
+ Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã áp dụng chữ ký số thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chữ ký số;
- Thực hiện việc ủy quyền cho người được ký và đóng dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Thông tư 18/2022/TT-BYT chính thức có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bảo hiểm xã hội có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 lưu ý quan trọng khi đánh giá xếp loại đảng viên cuối năm? Điều kiện cơ bản để được đánh giá xếp loại?
- Hóa đơn bán hàng là gì? Trường hợp nào được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng?
- Giáo dục mầm non là gì? Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm yêu cầu gì theo quy định pháp luật?
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?