Quy định về hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ thực hiện từ 15/01/2024 theo hướng dẫn tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP như thế nào?
Quy định về hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ thực hiện từ 15/01/2024 theo hướng dẫn tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP như thế nào?
Vừa qua, Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 83/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Hiện nay, vấn đề hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định 95/2018/NĐ-CP.
Tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ như sau:
(*) Sửa đổi nội dung về xây dựng đề án hoán đổi công cụ nợ, cụ thể:
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25 như sau:
“1. Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch hoán đổi công cụ nợ trước ngày đáo hạn và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm hoặc báo cáo tại đề án cơ cấu lại nợ riêng. Nội dung trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:
a) Mục đích hoán đổi;
b) Khối lượng, điều kiện, điều khoản công cụ nợ dự kiến phát hành để hoán đổi cho các công cụ nợ đang lưu hành;
c) Phương thức hoán đổi;
d) Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện và các chi phí liên quan.”
Theo đó, việc xây dựng đề án hoán đổi công cụ nợ theo quy định tại Nghị định 95/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi thành xây dựng kế hoạch hoán đổi công cụ nợ. Ngoài ra, việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không còn được thực hiện trước khi triển khai thực hiện mà sẽ trình tại kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm hoặc báo cáo tại đề án cơ cấu lại nợ riêng.
(*) Bãi bỏ quy định về khối lượng phát hành công cụ nợ của Chính phủ tại khoản 3 Điều 25 Nghị định 95/2018/NĐ-CP.
Quy định về hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ thực hiện từ 15/01/2024 theo hướng dẫn tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Các bước đấu thầu mua lại công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 110/2018/TT-BTC thì các bước đấu thầu mua lại công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước thực hiện như sau:
(1) Tối thiểu bốn (04) ngày làm việc trước ngày tổ chức mua lại, chủ thể tổ chức phát hành công bố thông tin trên trang điện tử của chủ thể tổ chức phát hành và đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán gửi thông báo cho các nhà tạo lập thị trường và công bố thông tin trên trang điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán. Nội dung thông báo bao gồm:
- Mã công cụ nợ tổ chức mua lại;
- Quy mô của mã, ngày phát hành lần đầu, ngày đáo hạn, lãi suất danh nghĩa, phương thức thanh toán gốc, lãi công cụ nợ;
- Khối lượng công cụ nợ dự kiến mua lại đối với từng mã;
- Ngày tổ chức mua lại và ngày mua lại công cụ nợ;
- Hình thức đấu thầu, phương thức xác định kết quả đấu thầu.
(2) Chậm nhất vào 10 giờ 30 phút ngày tổ chức mua lại, nhà tạo lập thị trường gửi Sở Giao dịch chứng khoán thông tin dự thầu theo mẫu đăng ký dự thầu do Sở Giao dịch chứng khoán quy định. Mỗi nhà tạo lập thị trường và mỗi khách hàng của nhà tạo lập thị trường dự thầu cạnh tranh lãi suất được phép đặt tối đa năm (05) mức dự thầu đối với mỗi mã công cụ nợ gọi thầu. Mỗi mức đặt thầu bao gồm lãi suất dự thầu (tính đến 2 chữ số thập phân) và khối lượng công cụ nợ dự thầu tương ứng. Đối với trường hợp đấu thầu cho khách hàng, nhà tạo lập thị trường phải cung cấp đầy đủ tên khách hàng, mức lãi suất và khối lượng dự thầu tương ứng của mỗi khách hàng.
(3) Chậm nhất mười lăm (15) phút sau thời gian đăng ký dự thầu cuối cùng quy định tại Khoản 2 Điều này, Sở Giao dịch chứng khoán mở thầu, tổng hợp thông tin dự thầu và gửi cho chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ.
(4) Căn cứ thông tin dự thầu tổng hợp nhận từ Sở Giao dịch chứng khoán, chủ thể tổ chức phát hành xác định mức lãi suất mua lại đối với mỗi mã gọi thầu và thông báo cho Sở Giao dịch chứng khoán để xác định kết quả đấu thầu công cụ nợ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 110/2018/TT-BTC.
(5) Kết thúc phiên đấu thầu mua lại, Sở Giao dịch chứng khoán thông báo kết quả đấu thầu cho nhà tạo lập thị trường bằng dữ liệu điện tử thông qua hệ thống đấu thầu điện tử và thông báo cho chủ thể tổ chức phát hành, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 Thông tư 110/2018/TT-BTC.
(6) Căn cứ thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa công cụ nợ đã trúng thầu mua lại.
(7) Vào ngày mua lại, chủ thể tổ chức phát hành thực hiện chuyển tiền mua lại công cụ nợ theo quy định tại Điều 22 Thông tư 110/2018/TT-BTC.
(8) Việc hủy niêm yết, hủy đăng ký, rút lưu ký công cụ nợ thực hiện theo quy định tại Điều 25 Thông tư 110/2018/TT-BTC.
(9) Kết thúc đợt mua lại, các đơn vị thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Điều 27 Thông tư 110/2018/TT-BTC.
Chủ thể nào tổ chức phát hành công cụ nợ của Chính phủ?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì:
- Chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ của Chính phủ là Bộ Tài chính.
- Đối với công cụ nợ của Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước, Bộ Tài chính tổ chức phát hành hoặc ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành và thực hiện các nghĩa vụ của chủ thể tổ chức phát hành theo quy định tại Nghị định 95/2018/NĐ-CP.
Nghị định 83/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/01/2024.
Phạm Phương Khánh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công cụ nợ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?
- Mẫu bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn sử dụng trong đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non?
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?