Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện từ 01/7/2023 được thực hiện thế nào?
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Theo đó, Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết 96/2023/QH15 có hiệu lực thi hành.
8 bước lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện từ 01/7/2023 ra sao?
Căn cứ Điều 11 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện như sau:
- Bước 1: Chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, căn cứ vào đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm quy định trong Nghị quyết này, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Thường trực Hội đồng nhân dân.
- Bước 2: Người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
- Bước 3: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 25 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
- Bước 4: Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp (nếu có) đến đại biểu Hội đồng nhân dân; gửi nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân có liên quan trực tiếp đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổng hợp đến người được lấy phiếu tín nhiệm.
- Bước 5: Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.
- Bước 6: Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.
- Bước 7: Chậm nhất là 03 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu có) về những vấn đề được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân có yêu cầu.
- Bước 8: Lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Hội đồng nhân dân theo trình tự tại khoản 8 Điều 11 Nghị quyết 96/2023/QH15.
Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện từ 01/7/2023 được thực hiện thế nào? (Hình internet)
Trình tự việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thực hiện ra sao?
Tại khoản 8 Điều 11 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân theo trình tự sau đây:
- Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân kết quả thảo luận tại Tổ. Phiên họp lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự;
- Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu;
- Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”;
- Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu;
- Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân là gì?
Căn cứ tại Điều 12 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy đinh
Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm
1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.
3. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.
Như vậy, Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức
Châu Thị Nhựt Nam
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Lấy phiếu tín nhiệm có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?
- Có phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất không?