Quyết định 1007/QĐ-TTg về Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng ra sao?
- Quyết định 1007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng?
- Chính sách, chế độ đối với cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công được quy định như thế nào?
- Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công được quy định như thế nào?
Quyết định 1007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng?
Ngày 30/08/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1007/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 quy hoạch trên cơ sở hiện trạng, đảm bảo phát triển hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp, đủ quy mô, năng lực, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng, tạo thuận lợi để người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện về thể chất và tinh thần; là cơ sở để xây dựng lộ trình và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về ưu đãi người có công đảm bảo khách quan, khoa học, minh bạch và hiệu quả.
Về định hướng phát triển, hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: 70 cơ sở công lập với quy mô khoảng 7.400 giường.
Cụ thể, theo phân cấp quản lý, các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được chia thành: Cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với các mạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng do cấp tỉnh quản lý.
Theo mô hình hoạt động, các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được phân bố theo 03 mô hình: Mô hình điều dưỡng người có công; mô hình nuôi dưỡng người có công; mô hình nuôi dưỡng kết hợp điều dưỡng người có công.
Theo quy mô, chức năng phục vụ, trong các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng có 10 cơ sở có tính chất vùng, thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ điều dưỡng, nuôi dưỡng ở phạm vi vùng.
Hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với 70 cơ sở được phân bổ theo các vùng kinh tế - xã hội:
+ Vùng trung du và miền núi phía Bắc có 14 cơ sở tại 13 địa phương;
+ Vùng đồng bằng sông Hồng có 20 cơ sở tại 11 địa phương;
+ Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 18 cơ sở tại 14 địa phương;
+ Vùng Tây Nguyên có 03 cơ sở tại 03 địa phương;
+ Vùng Đông Nam Bộ có 05 cơ sở tại 03 địa phương;
+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 10 cơ sở do địa phương quản lý.
Đến năm 2025, hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng có khoảng 2.300 cán bộ, nhân viên và đến năm 2030, dự kiến có khoảng 2.500 cán bộ nhân viên.
Về chất lượng: Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm trong hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đến năm 2025, có ít nhất 30% được đào tạo ở trình độ đại học trở lên, 55% được đào tạo trong các ngành y, dược và công tác xã hội. Đến năm 2030, có ít nhất 60% đội ngũ cán bộ được đào tạo ở trình độ đại học trở lên, ít nhất 55% được đào tạo trong các ngành y, dược và công tác xã hội.
Quyết định 1007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng? (Hình từ internet)
Chính sách, chế độ đối với cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công được quy định như thế nào?
Tại Điều 134 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về chính sách, chế độ đối với cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công được quy định như sau:
(1) Về số người làm việc tại cơ sở do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ quy định.
(2) Về cơ sở hạ tầng: Ngân sách nhà nước bảo đảm xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ của các cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công.
- Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
- Các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công đề nghị hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng phải gửi hồ sơ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước thời điểm phân bổ dự toán.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì:
+ Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công đề nghị hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng từ 500 triệu đồng trở lên:
++ Quyết định phê duyệt dự án hoặc phê duyệt Báo cáo kinh tế kĩ thuật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với các cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công do địa phương quản lý hoặc của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân cấp ủy quyền phê duyệt đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kèm theo các tài liệu làm căn cứ phê duyệt theo quy định hiện hành.
+ Đối với các công trình có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng:
++ Quyết định phê duyệt dự toán chi phí sửa chữa, bảo trì của Thủ trưởng đơn vị quản lý cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Trường hợp công trình bị hư hỏng do thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng thì phải có Quyết định phê duyệt sửa chữa công trình của cấp có thẩm quyền theo quy định trên, trong đó có thuyết minh đầy đủ nội dung cần sửa chữa, khắc phục.
Đối với các cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công do địa phương quản lý: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập và tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì vào dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của địa phương; tổng hợp và gửi hồ sơ tài liệu được ban hành đúng thẩm quyền về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với các cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phê duyệt hoặc phân cấp phê duyệt theo quy định nêu trên và tổng hợp dự toán chung để đảm bảo cơ sở vật chất nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
- Đối với kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ của các cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công từ kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng phải được đề xuất trong dự toán hằng năm gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với các cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công do địa phương quản lý: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập và tổng hợp dự toán kinh phí mua sắm vào dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của địa phương gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với các cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng chung trong dự toán hằng năm để đảm bảo cơ sở vật chất nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công được quy định như thế nào?
Tại Điều 135 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, chính sách, chế độ đối với người làm việc tại cơ sở nuôi dưỡng người có công, cơ sở điều dưỡng người có công được quy định như sau:
Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công
Người làm việc tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được hưởng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, các phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người làm việc tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được hưởng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, các phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo Chính phủ.
Võ Thị Mai Khanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người có công với cách mạng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?