TCVN 10685-2:2018 về lấy mẫu thử vật liệu chịu lửa không định hình như thế nào? Phương pháp lấy mẫu đơn ra sao?
Nguyên tắc chung lấy mẫu lô kiểm tra vật liệu chịu lửa không định hình như thế nào?
Căn cứ tại tiểu mục 4.1 Mục 4 TCVN 10685-2:2018 có nêu rõ nguyên tắc chung lấy mẫu lô kiểm tra vật liệu chịu lửa không định hình như sau:
- Chương trình lấy mẫu cụ thể phải được sự đồng thuận của các bên liên quan. Kế hoạch lấy mẫu chi tiết được lập thành văn bản và cung cấp cho những người có trách nhiệm lấy và kiểm tra mẫu đơn. Nội dung cơ bản của quy trình lấy mẫu bao gồm các quyết định và tài liệu sau:
+ Thành phần và đặc điểm của toàn bộ vật liệu được lấy mẫu;
+ Ký hiệu lô và khối lượng lô hàng;
+ Dạng bao gói và khối lượng mỗi loại vật liệu;
+ Các bên chịu trách nhiệm lấy và kiểm tra mẫu, có thể có bên thứ ba;
+ Vị trí, thời gian và phương pháp lấy mẫu;
+ Mức độ lấy mẫu, mật độ các mẫu đơn;
+ Các tính chất cần được kiểm tra;
+ Các phương pháp thí nghiệm;
+ Các tiêu chí đánh giá giá trị của tính chất đo được để quyết định chất lượng lô hàng.
- Trong quá trình lấy, phân chia, chuẩn bị và lưu giữ mẫu đơn, phải bảo quản tốt các mẫu để tránh làm thay đổi các tính chất cần kiểm tra.
- Việc lấy mẫu phải tiến hành dưới sự giám sát của người có kinh nghiệm lấy mẫu. Người lấy mẫu phải được phê duyệt bởi các bên liên quan hoặc bởi người có thẩm quyền. Người lấy mẫu sẽ được thông báo về mục đích lấy mẫu.
- Khi kiểm tra các lô hàng riêng lẻ, các bên phải đồng ý xem có cần chia một lô hàng lớn thành các lô nhỏ hơn hay không, nếu cần thì chia nhỏ đến mức nào. Áp dụng điều này khi cần tránh khả năng cả lô hàng lớn bị từ chối do có vấn đề ở một phần của lô.
- Khi cần mẫu để bên thứ ba cấp giấy chứng nhận kiểm soát chất lượng sản phẩm, mẫu phải được lấy theo quy trình mà nhà sản xuất đang dùng để kiểm soát chất lượng sản phẩm khi sản xuất.
- Khi cần có thể chia nhỏ một đợt giao hàng thành các lô kiểm tra riêng, ví dụ: đợt giao hàng gồm nhiều lô sản phẩm khác nhau hoặc phải được xử lý từng phần riêng rẽ.
TCVN 10685-2:2018 về lấy mẫu thử vật liệu chịu lửa không định hình như thế nào? Phương pháp lấy mẫu đơn ra sao? (Hình từ Internet)
Phương pháp lấy mẫu đơn kiểm tra vật liệu chịu lửa không định hình như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 4.2.3 Mục 4 TCVN 10685-2:2018 có nêu rõ phương pháp lấy mẫu đơn kiểm tra vật liệu chịu lửa không định hình như sau:
- Lấy mẫu từ bao lớn
Lấy mẫu từ bao lớn khó do những nguyên nhân sau:
+ Sản phẩm với khối lượng lớn cản trở việc sử dụng thiết bị ống hoặc gáo lấy mẫu.
+ Trong quá trình vận chuyển xảy ra sự phân lớp.
Do vậy, điều kiện tối ưu để lấy mẫu đơn ban đầu chính xác là khi vật liệu đang chuyển động.
Lấy một mẫu đơn cơ sở bằng cách dùng hộp lấy mẫu lấy dọc theo dòng chảy của vật liệu ở trạng thái chuyển động đồng nhất, đảm bảo toàn bộ mặt cắt ngang của dòng vật liệu bị chặn. Không sử dụng xẻng hoặc muỗng để lấy mẫu đang chuyển động.
Với một số loại sản phẩm không định hình đã được chuẩn bị sẵn (ví dụ: hỗn hợp bê tông chịu lửa) và chưa trộn đồng nhất, hoặc do hỗn hợp vật liệu bị phân tách trong quá trình vận chuyển,... thì phải lấy các mẫu đơn cơ sở sau khi trộn toàn bộ bao lớn. Phương pháp lấy mẫu này tốn kém khi phải xử lý mẫu với số lượng lớn.
Ngay sau khi lấy được các mẫu đơn cơ sở, phải trộn các mẫu này để tạo thành mẫu đơn bao gói.
- Lấy mẫu từ các can, các khối bọc (trọng lượng nhỏ hơn 35 kg)
Các can, khối bọc được xem tương đương với các mẫu có hình dạng xác định. Theo 4.2.1 c), lấy ngẫu nhiên một số can hoặc khối bọc để kiểm tra.
Ghi nhãn, bao gói, bảo quản mẫu đơn như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Mục 5 TCVN 10685-2:2018 có nêu rõ ghi nhãn, bao gói, bảo quản mẫu đơn như sau:
(1) Ghi nhãn
Các mẫu đơn phải được đánh dấu rõ ràng và không mờ theo thời gian, bao gồm:
- Một mã duy nhất, hoặc;
- Ký hiệu mẫu đơn, nơi lấy mẫu, ngày lấy mẫu và tên vật liệu.
(2) Bao gói
Vật bao gói và mẫu đơn phòng thí nghiệm được đóng gói sao cho bảo toàn được tình trạng của chúng tại thời điểm lấy mẫu. Nếu cần thiết, để bảo toàn được độ ẩm và hàm lượng các chất dễ bay hơi, phải đóng hộp kín khí.
Mẫu đơn phòng thí nghiệm dùng để gửi hoặc vận chuyển cho bên thứ ba và mẫu lưu, sẽ phải được bọc kín sao cho trạng thái của vật liệu được duy trì và tính chất của vật liệu không thay đổi.
(3) Bảo quản
Vật liệu chịu lửa không định hình có thể bị thay đổi giữa ngày sản xuất và ngày lấy mẫu. Không được lưu giữ mẫu lâu hơn thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Quá trình thay đổi có thể xảy ra vì nhiều lý do:
- Vật liệu ở dạng bột khô, ví dụ như bê tông chịu lửa hoặc vật liệu phun dạng khô, chứa chất kết dính hút ẩm lớn dẫn tới sự vón cục trong các bao. Những cục tròn có kích thước hạt tối đa lớn hơn kích thước hạt cốt liệu chính phải được loại bỏ bằng sàng có kích thước lỗ lớn hơn kích thước hạt lớn nhất của vật liệu trước khi lấy mẫu.
Bản thân các cục tròn này cho biết tuổi của vật liệu nên sự có mặt của chúng phải được ghi chép lại. Vì vậy phải bảo quản những vật liệu này ở nơi khô ráo, tránh ẩm ướt.
- Hỗn hợp đầm ở dạng sử dụng ngay có chứa chất lỏng trộn vào trong quá trình sản xuất (nước hoặc nhựa) nên dễ bị lão hóa do ẩm bay hơi. Vì vậy, mẫu đơn sẽ được lưu giữ trong túi nhựa kín. Trong quá trình lấy mẫu, đôi khi xuất hiện sự kết tảng của loại vật liệu, cần phải tăng khối lượng mẫu đơn để tránh sự chia tách.
- Khối dẻo và hỗn hợp bịt kín lỗ tháo lò cao dễ bị lão hóa do chúng có chứa các chất kết dính hữu cơ (nhựa đường, hắc ín, nhựa than đá,...). Trong quá trình lão hóa, một lớp vỏ cứng dần dần phát triển và phải loại bỏ ra khỏi khối trước khi tạo mẫu. Vì vậy cần tính toán ước lượng khối lượng vỏ để xác định khối lượng mẫu đơn.
- Đối với vật liệu phun bắn, vật liệu chịu lửa dạng lỏng và các vật liệu tương tự, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự như mô tả ở trên. Tuy nhiên, các loại vật liệu này thường có tỷ lệ chất kết dính cao hơn vì vậy yêu cầu phải thực hiện cẩn thận hơn.
Những loại vật liệu này thường có nguy cơ phân tách thành phần (giữa lỏng và rắn). Do vậy, cần thiết phải trộn lại trước khi lấy mẫu.
Sau khi lấy mẫu, bảo quản mẫu đơn trong phòng mát, rút gọn và thí nghiệm mẫu càng sớm càng tốt. Trong trường hợp hỗn hợp bịt kín lỗ tháo lò cao hoặc vật liệu có chất kết dính nhựa, mẫu đơn có thể bảo quản trong tủ lạnh nếu khoảng thời gian giữa lấy mẫu và thực hiện thí nghiệm quá một ngày.
CHÚ THÍCH 1: Điều kiện bảo quản mẫu đối với vật liệu liên kết phosphat phải được thỏa thuận giữa các bên.
CHÚ THÍCH 2: Hỗn hợp chịu lửa (ví dụ: hỗn hợp đầm, hỗn hợp vá nóng, hỗn hợp phun) với hàm lượng vôi cao thường có khuynh hướng tạo bụi.
Nguyễn Hạnh Phương Trâm
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vật liệu chịu lửa có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?
- Cập nhật các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu mới nhất? Tải Luật thuế xuất nhập khẩu PDF hiện nay?
- Sự ra đời của Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc? Thời gian tổ chức Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 18 11?