Vùng khơi là gì? Vùng khơi bao gồm những vùng nào? Quy định chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi thế nào?
Vùng khơi là gì? Vùng khơi bao gồm những vùng nào? Những tàu cá nào được hoạt động tại vùng khơi?
Căn cứ tại điểm c Điều 42 Nghị định 26/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Phân vùng khai thác thủy sản
1. Vùng khai thác thuỷ sản trên biển bao gồm:
a) Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thuỷ triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý;
b) Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng;
c) Vùng khơi (vùng xa bờ) được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”
Bên cạnh đó, tại khoản 22 Điều 3 Nghị định 26/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP quy định:
Giải thích từ ngữ
22. Vùng khơi gồm 06 khu vực như sau:
a) Khu vực 1 là vùng phía Bắc vĩ tuyến 17°00’N.
b) Khu vực 2 là vùng từ vĩ tuyến 14°00’N đến vĩ tuyến 17°00’N.
c) Khu vực 3 là vùng từ vĩ tuyến 10°00’N đến vĩ tuyến 14°00’N.
d) Khu vực 4 là vùng phía Nam vĩ tuyến 10°00’N và phía Đông kinh tuyến 108°00’E.
đ) Khu vực 5 là vùng phía Nam vĩ tuyến 10°00’N, từ kinh tuyến 105°00’E đến kinh tuyến 108°00’E.
e) Khu vực 6 là vùng phía Tây kinh tuyến 105°00’E”.
Như vậy, vùng khơi gồm 6 khu vực được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Vùng khơi là gì? Vùng khơi bao gồm những vùng nào? Quy định chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi thế nào? (Hình từ Internet)
Những tàu cá nào được hoạt động tại vùng khơi?
Căn cứ tại Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam
Quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam
1. Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng;
b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ;
c) Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.
2. Đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi;
b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi;
c) Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.
3. Quy định về treo cờ:
a) Tàu cá Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam theo quy định tại điểm a Khoản này.
Như vậy, những tàu cá được hoạt động tại vùng khơi gồm:
- Tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên;
- Tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.
Quy định chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi thế nào?
Căn cứ tại Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP quy định chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi như sau:
- Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi khi thực hiện chuyển quyền sở hữu tàu cá giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đảm bảo không tăng tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
Việc chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác giữa các nghề trong tổng số hạn ngạch giấy phép đã được giao do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đảm bảo theo định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản của địa phương theo hướng chỉ cho chuyển đổi sang nghề thân thiện với nguồn lợi thủy sản và theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức, cá nhân nhận quyền sở hữu tàu cá phải thực hiện quy định về cấp văn bản chấp thuận theo Điều 62 Luật Thủy sản 2017 và Điều 57 Nghị định 26/2019/NĐ-CP và thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức, cá nhân chuyển quyền sở hữu tàu cá thông báo điều chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi theo Mẫu số 01A.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu tàu cá sau khi cấp văn bản chấp thuận theo quy định;
+ Cơ quan đăng ký tàu cá thực hiện thủ tục xóa đăng ký tàu cá và đăng ký tàu cá theo quy định.
Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 5 năm 2024.
Nguyễn Thị Thu Yến
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Khai thác thủy sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?
- Quy trình tổ chức sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ ngày 1/1/2025 được thực hiện theo Thông tư 68 như thế nào?
- Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ nào? Nội dung quản lý biên chế?
- Mẫu số 3A lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu qua mạng là mẫu nào? Báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu gồm những gì?
- Phương pháp sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ 1/1/2025 theo Thông tư 68 mới nhất như thế nào?