Thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia thì khi đổi căn cước công dân cần chuẩn bị thêm giấy tờ gì? Những thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu này có được đảm bảo không?
Đổi căn cước công dân cần giấy tờ gì khi thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia?
Thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia
Sau khi tiếp nhận yêu cầu đổi thẻ căn cước công dân, cán bộ thu nhận thông tin sẽ tiến hành tìm kiếm thông tin của bạn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân để lập hồ sơ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA như sau:
“a) Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
b) Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.”
Như vậy, khi thông tin của bạn đã tồn tại trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sẽ được chia ra làm 2 trường hợp:
(1) Thông tin không có sự thay đổi, điều chỉnh thì cán bộ thu nhận thông tin sẽ sử dụng thông tin đó để lập hồ sơ đổi thẻ căn cước công dân. Bạn không cần phải cung cấp thêm các giấy tờ, tài liệu khác.
(2) Thông tin có sự thay đổi, điều chỉnh thì cán bộ thu nhận thông tin sẽ đề nghị bạn xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ đổi thẻ căn cước công dân. Lúc này, bạn cần cung cấp một số giấy tờ liên quan như chứng minh nhân dân/căn cước công dân cũ, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh,… để hỗ trợ cán bộ thu nhận thông tin trong việc xác minh nội dung có thay thế, sửa đổi.
Thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia có được bảo mật hay không?
Khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:
“4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về quyền của công dân như sau:
“Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định”
Theo đó, bạn có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, gia đình và trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống dữ liệu của quốc gia sẽ được thiết kế sao cho thông tin của công dân được bảo mật một cách tuyệt đối.
Những trường hợp nào được sử dụng thông tin cá nhân của công dân?
Điều 10 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về việc quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:
“1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý.
2. Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện như sau:
a) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
b) Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
c) Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.
3. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.”
Vì đây là tài sản quốc gia nên trong trường hợp cần thiết, thông tin cá nhân của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được sử dụng nhằm phục vụ cho mục đích chính trị, xã hội; các cơ quan có thẩm quyền được phép khai thác trong phạm vi chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình.
Như vậy, khi đã có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bạn không cần phải đem thêm giấy tờ, tài liệu khác (trừ trường hợp thông tin có thay đổi, bổ sung). Bên cạnh đó, thông tin cá nhân của bạn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đảm bảo an toàn, bí mật gần như tuyệt đối, trừ trường hợp cần khai thác, sử dụng phục vụ mục đích chung của nhà nước.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Căn cước công dân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?