Thủ tục giải thể doanh nghiệp tư nhân được quy định ra sao? Hồ sơ giải thể doanh nghiệp tư nhân gồm những gì?
Các trường hợp nào có thể bị giải thể doanh nghiệp tư nhân?
Theo quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân có thể bị giải thể trong các trường hợp sau:
- Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân;
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Vậy, anh với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân được quyền ra quyết định giải thể doanh nghiệp của mình.
Hồ sơ giải thể doanh nghiệp tư nhân gồm những gì?
Thành phần hồ sơ giải thể doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 208 và Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:
- Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
- Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp;
- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp;
- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
Thủ tục giải thể doanh nghiệp tư nhân
Thủ tục giải thể doanh nghiệp tư nhân được thực hiện như thế nào?
Giải thể doanh nghiệp tư nhân đối với trường hợp theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân
Việc giải thể doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp này được thực hiện theo các quy định tại Điều 70 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 1: Thông báo việc giải thể doanh nghiệp tới Phòng đăng ký kinh doanh
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định giải thể, doanh nghiệp gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ gửi Phòng Đăng ký kinh doanh bao gồm:
+ Thông báo về việc giải thể doanh nghiệp tư nhân;
+ Phương án giải quyết nợ (nếu có)
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về việc giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh phải:
+ Đăng tải các giấy tờ ở Bước 1 và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
+ Chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể;
+ Gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế.
- Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế.
Bước 2: Thanh toán hết các khoản nợ
Bước 3: Thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký giải thể đến Phòng đăng ký kinh doanh.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp này gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp bao gồm:
+ Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
+ Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp;
+ Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho Cơ quan thuế.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.
Lưu ý: Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được thông báo kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ đăng ký giải thể của doanh nghiệp và ý kiến phản đối bằng văn bản của bên có liên quan, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể, gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên.
Giải thể doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án
Việc đăng ký giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án phải được thực hiện theo các trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 71 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Bước 1: Đăng tải quyết định và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nhận được quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuyển tình trạng của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể và gửi thông tin về việc giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan thuế.
Bước 2: Doanh nghiệp tư nhân thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp
Bước 3: Gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký giải thể doanh nghiệp thực hiện theo Bước 4 của thủ tục giải thể doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Lưu ý: Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ đăng ký giải thể của doanh nghiệp và ý kiến phản đối của bên có liên quan bằng văn bản, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể, gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên.
Tô Nguyễn Thu Trang
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Doanh nghiệp tư nhân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Sư phạm Hà Nội (HSA)? Chi tiết cấu trúc đề thi đánh giá năng lực 2025?
- Tải phiếu Đảng viên mẫu 2 HSĐV word năm 2024 và cách ghi? Nhiệm vụ của Đảng viên trong giai đoạn hiện nay là gì?
- Đề xuất chụp ảnh người thi chứng chỉ ngoại ngữ theo năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để chống thi hộ, thi thay thế nào?
- Mẫu báo cáo kết quả công tác năm dành cho công chức, viên chức, người lao động của BGDĐT chuẩn Quyết định 3086?
- Lịch thi ĐGNL Đại học Sư phạm 2025? Thi đánh giá năng lực Sư phạm Hà Nội 2025 vào ngày nào?