Thủ tục thành lập tổ chức thanh niên xung phong cấp tỉnh được thực hiện như thế nào theo quy định hiện nay?
Việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong nhằm mục đích gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 12/2011/NĐ-CP quy định về mục đích thành lập tổ chức thanh niên xung phong như sau:
Thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong
1. Thanh niên xung phong chỉ được thành lập khi cần huy động thanh niên để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này trong thời gian từ 24 tháng trở lên.
...
Theo đó, việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ sau:
(1) Tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được giao ở biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (sau đây gọi chung là vùng khó khăn).
(2) Tham gia thực hiện việc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.
(3) Tham gia thực hiện cai nghiện ma túy, giáo dục lao động, giải quyết việc làm cho thanh niên sau cai nghiện ma túy và các đối tượng thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội khác.
(4) Tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất và đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên.
(5) Giáo dục, rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội viên, cán bộ quản lý thanh niên xung phong.
Lưu ý: Việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong để thực hiện các nhiệm vụ vừa nêu trên phải trong thời gian từ 24 tháng trở lên.
Thủ tục thành lập tổ chức thanh niên xung phong cấp tỉnh được thực hiện như thế nào theo quy định hiện nay? (Hình từ Internet)
Việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong cấp tỉnh sẽ thuộc thẩm quyền của ai?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 12/2011/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý tổ chức thanh niên xung phong như sau:
Thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong
...
2. Thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong được quy định như sau:
a) Thanh niên xung phong ở Trung ương do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định thành lập, giải thể và quản lý;
b) Thanh niên xung phong ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung thanh niên xung phong cấp tỉnh) do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, thành quyết định thành lập, giải thể và quản lý.
...
Như vậy, việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong cấp tỉnh sẽ thuộc thẩm quyền của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, thành.
Thủ tục thành lập tổ chức thanh niên xung phong cấp tỉnh được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 11/2011/TT-BNV thì thủ tục thành lập tổ chức thanh niên xung phong cấp tỉnh được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Lập hồ sơ
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh có nhu cầu thành lập tổ chức thanh niên xung phong lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp đến Sở Nội vụ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chấp thuận.
Hồ sơ đề nghị thành lập Tổng đội thanh niên xung phong sẽ bao gồm các giấy tờ quy định tại Điều 5 Thông tư 11/2011/TT-BNV:
(1) Văn bản của tổ chức Đoàn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến chấp thuận về việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong.
(2) Văn bản chấp thuận của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc đồng ý việc thành lập tổ chức và hoạt động của thanh niên xung phong.
(3) Đề án thành lập tổ chức thanh niên xung phong gồm các nội dung sau:
- Loại hình tổ chức cần thành lập thanh niên xung phong;
- Mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thanh niên xung phong;
- Cơ cấu của tổ chức thanh niên xung phong;
- Nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm để tổ chức thanh niên xung phong mới được thành lập hoạt động.
Trong đó, dự kiến về nhân sự, biên chế, kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc và trang thiết bị, phương tiện cần thiết của tổ chức thanh niên xung phong;
- Thời gian dự kiến kế hoạch hoạt động của tổ chức thanh niên xung phong;
- Kiến nghị của cơ quan xây dựng đề án thành lập tổ chức thanh niên xung phong (nếu có).
Bước 2: Xem xét hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chấp thuận bằng văn bản việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong.
Trong trường hợp không chấp thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong quá trình thẩm tra hồ sơ thành lập tổ chức thanh niên xung phong, Sở Nội vụ có quyền đề nghị Đoàn Thanh niên cấp tỉnh cung cấp thông tin và tài liệu có liên quan hoặc mời đại diện các sở, ngành liên quan và nhà khoa học để thảo luận, cho ý kiến về chuyên môn.
Bước 3: Ra quyết định thành lập
Căn cứ ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn thanh niên cấp tỉnh ra quyết định thành lập tổ chức thanh niên xung phong.
Trần Thành Nhân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thanh niên xung phong có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hãng hàng không bị thu hồi quyền vận chuyển hàng không thường lệ trong trường hợp nào theo quy định hiện nay?
- Người phạm tội tự thú thì có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Người phạm tội tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự không?
- Con cháu có thể ủy nhiệm chăm sóc ông bà cho viện dưỡng lão khi ở xa không có điều kiện chăm sóc trực tiếp không?
- Khi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới có cần phải báo cáo thông tin AE trong các thử nghiệm đa quốc gia mà Việt Nam tham gia không?
- Người theo học ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì? Ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng là gì?