Tiền bị tịch thu từ vụ án hình sự triệt phá đường dây đánh bạc có phải là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân không?
Tiền thu được từ vụ án hình sự triệt phá đường dây đánh bạc thuộc nhóm tài sản nào?
Tiền thu được từ vụ án hình sự
Điểm b khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, được hướng dẫn bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định tài sản thuộc nhóm tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân:
“Điều 3. Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật gồm:
…
b) Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.”
Như vậy, tiền thu được từ vụ án hình sự triệt phá đường dây đánh bạc như bạn nói được xem là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Bảo quản như thế nào đối với tiền thu được từ vụ án hình sự?
Việc bảo quản đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo quy định tại Điều 108 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Điều 17. Bảo quản tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Tài sản có quyết định tịch thu hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân của cơ quan, người có thẩm quyền phải được bảo quản chặt chẽ, bảo đảm phục vụ việc xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Các tài sản chuyển giao cho các cơ quan quản lý chuyên ngành để bảo quản như sau:
a) Tài sản là bảo vật quốc gia, cổ vật và vật khác có giá trị lịch sử, văn hóa.
b) Tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện đặc chủng và tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh.
c) Tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý.
d) Tài sản là chất phóng xạ.
đ) Tài sản là bộ phận (mẫu vật) của động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IB.
e) Tài sản là lâm sản quý hiếm không được sử dụng vào mục đích thương mại, trừ tài sản quy định tại điểm đ khoản này.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan công bố danh sách cụ thể các cơ quan chuyên ngành để thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản đối với các tài sản quy định tại khoản này.
3. Trách nhiệm bảo quản tài sản quy định như sau:
a) Cơ quan của người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu tài sản theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan trình người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tài sản tịch thu.
b) Cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về thi hành án dân sự.
c) Đơn vị chủ trì quản lý tài sản quy định tại Điều 5 Nghị định này chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức thực hiện việc bảo quản tài sản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc bảo quản tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 108 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.”
Theo đó, số tiền thu được sau khi xử lý vụ án triệt phá đường dây đánh bạc nói trên được bảo quản bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tài sản là tiền thu được từ vụ án hình sự được xử lý thông qua hình thức nào?
Điều 109 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định các hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân gồm:
(1) Giao cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện đặc chủng, tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh; bảo vật quốc gia, cổ vật và vật khác có giá trị lịch sử, văn hoá; hàng lâm sản quý hiếm và tài sản khác có yêu cầu quản lý đặc biệt theo quy định của pháp luật.
(2) Giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng đối với tài sản được sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị.
(3) Giao hoặc điều chuyển cho đối tượng được giao quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng.
(4) Nộp vào ngân sách nhà nước đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ.
(5) Tiêu hủy đối với tài sản không còn giá trị sử dụng hoặc buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
(6) Thực hiện bán đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 1, 4 và 5 Điều này; tài sản quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này nhưng không áp dụng hình thức giao, điều chuyển. Việc bán tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá, trừ tài sản sau đây được áp dụng hình thức bán trực tiếp:
- Tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng;
- Tài sản có giá trị nhỏ theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, tiền Việt Nam trong trường hợp trên sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của luật.
Tiền bị tịch thu theo quy định của pháp luật hình sự do ai xử lý?
Khoản 4 Điều 111 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, được hướng dẫn cụ thể tại khoản 5 Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định việc xử lý đối với tài sản là tiền Việt Nam như sau:
“5. Đối với việc xử lý tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện chuyển tài sản là tiền Việt Nam, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý vào Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với tài sản là ngoại tệ thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản nộp vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ số ngoại tệ trên để chuyển nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam theo quy định.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện đổi giấy tờ có giá có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt và nộp vào Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trường hợp giấy tờ có giá không đủ điều kiện chuyển đổi thành tiền thì thực hiện thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước để lưu giữ, bảo quản.”
Theo quy định trên, số tiền được tịch thu từ vụ án hình sự trong trường hợp trên sẽ được đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện chuyển vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Tiếp theo, Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Như vậy, tiền tịch thu được từ việc giải quyết vụ án hình sự là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Do đó, tài sản này sẽ được bàn giao, xử lý theo quy định của pháp luật đối với tài sản là tiền Việt Nam.
Trần Hồng Oanh
- khoản 5 Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP
- Khoản 4 Điều 111 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- Điều 109 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- Điều 17 Nghị định 29/2018/NĐ-CP
- Điều 108 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP
- Điểm b khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài sản công có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?
- Trình độ chuẩn với giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trường đại học? Chế độ bồi dưỡng giờ giảng đối với giảng viên?
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?