Tổ chức là cổ đông của công ty chứng khoán quyết định đổi tên thì có cần báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay không?
Muốn trở thành cổ đông của công ty chứng khoán cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về cổ đông của công ty chứng khoán như sau:
Cổ đông, thành viên
1. Cổ đông, thành viên góp vốn của công ty chứng khoán phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Điểm c, d Khoản 2 Điều 74 Luật Chứng khoán.
Dẫn chiếu đến quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 74 Luật Chứng khoán 2019 có quy định như sau:
Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán
...
2. Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn bao gồm:
..
c) Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán khác;
d) Cổ đông, thành viên góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 77 của Luật này.
Theo đó, khi muốn trở thành cổ đông của công ty chứng khoán thì các yêu cầu cần thiết cần đáp ứng theo quy định trên bao gồm:
- Sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán khác
- Đáp ứng các điều kiện tại Điều 77 Luật Chứng khoán 2019 trong trường hợp cổ động là nhà đầu tư nước ngoài:
Tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
1. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo nguyên tắc sau đây:
a) Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này và người có liên quan được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và người có liên quan chỉ được sở hữu đến 49% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
b) Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân và người có liên quan chỉ được sở hữu đến 49% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
c) Tuân thủ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 74 và điểm c khoản 2 Điều 75 của Luật này.
2. Tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được cấp phép và có thời gian hoạt động liên tục trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm trong thời hạn 02 năm liền trước năm tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp;
b) Cơ quan cấp phép của nước nguyên xứ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
c) Hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước năm tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp và báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.
3. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 76 và Điều 78 của Luật này.
Tổ chức là cổ đông của công ty chứng khoán quyết định đổi tên thì có cần báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay không? (Hình từ Internet)
Cổ đông là tổ chức của công ty chứng khoán quyết định đổi tên thì có cần báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay không?
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Thông tư 121/2020/TT-BTC, cổ động của công ty chứng khoán phải đảm bảo tuân thủ theo một số quy định sau:
Cổ đông, thành viên
..
3. Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán phải thông báo đầy đủ cho công ty chứng khoán trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin, đối với các trường hợp sau:
a) Số cổ phần hoặc phần vốn góp bị phong tỏa, cầm cố hoặc bị xử lý theo quyết định của tòa án;
b) Cổ đông, thành viên là tổ chức quyết định thay đổi tên hoặc chia, tách, giải thể, phá sản.
4. Công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cổ đông, thành viên.
Như vậy, trong trường hợp cổ đông của công ty chứng khoán là tổ chức tiến hành thay đổi tên thì cổ đông phải thông báo đầy đủ cho công ty chứng khoán trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin.
Sau đó, việc báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cổ đông sẽ do công ty chứng khoán thực hiện, không phải do cổ đông thực hiện.
Kết quả họp Đại hội đồng cổ đông của công ty chứng khoán có cần phải báo cáo hay không?
Theo Điều 7 Thông tư 121/2020/TT-BTC, Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty chứng khoán được quy định cụ thể như sau:
Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty
1. Công ty chứng khoán phải xây dựng quy trình nội bộ về thủ tục, trình tự triệu tập và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên và phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên thông qua.
2. Công ty chứng khoán là công ty cổ phần phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp không tổ chức được theo thời hạn nêu trên, công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 02 tháng tiếp theo.
3. Công ty chứng khoán là công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin về quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán về công bố thông tin.
4. Công ty chứng khoán phải báo cáo kết quả họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu kèm theo nghị quyết và các tài liệu liên quan cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu.
5. Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty chứng khoán thông qua tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính, báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính. Trong cùng năm tài chính, công ty chứng khoán không được thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, trừ trường hợp công ty mẹ thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận hoặc tổ chức kiểm toán được chấp thuận bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán.
Như vậy, công ty chứng khoán phải báo cáo kết quả họp Đại hội đồng cổ đông kèm theo nghị quyết và các tài liệu liên quan cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công ty chứng khoán có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sau khi nộp tiền thuế, người nộp thuế có được nhận chứng từ thu tiền thuế? Trách nhiệm nộp tiền thuế của người nộp thuế?
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?