Tổ chức nào có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp? Tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin bị xử lý ra sao?
Tổ chức nào có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp?
Tổ chức nào có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 1 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định:
Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Căn cứ theo Điều 42 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP) quy định tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp cần đáp ứng điều kiện như sau:
(1) Các tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) được hoạt động giám định bao gồm:
+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp;
+ Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã;
+ Đơn vị sự nghiệp;
+ Các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
Các tổ chức nêu trên cần đáp ứng các điều kiện sau đây được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ:
+ Có nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;
+ Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
+ Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
(2) Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ;
+ Có trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc;
+ Có nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định.
(3) Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện hoạt động giám định trong lĩnh vực đã đăng ký hoạt động.
Theo đó, căn cứ theo nội dung quy định nêu trên thì tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và đáp ứng đủ các điều kiện quy định.
Hiện nay tại Việt Nam chỉ mới có duy nhất Viện khoa học sở hữu trí tuệ (Vietnam Intellectual Property Research Institute – VIPRI) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (là đơn vị sự nghiệp công lập) có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp.
Trách nhiệm của tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp thế nào?
Căn cứ theo Điều 43 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP) quy định tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp có trách nhiệm như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ
1. Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ có các quyền sau đây:
a) Thuê giám định viên sở hữu trí tuệ thực hiện giám định theo các vụ việc;
b) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ có các nghĩa vụ sau đây:
a) Hoạt động theo đúng lĩnh vực giám định ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
b) Bảo quản, lưu trữ các tài liệu, hồ sơ liên quan đến vụ việc giám định;
c) Giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu hoặc trưng cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp cần đảm bảo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định nêu trên.
Tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin bị xử lý ra sao?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) quy định xử lý hành vi vi phạm quy định trong hoạt động giám định về sở hữu công nghiệp như sau:
Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động giám định sở hữu công nghiệp
…
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp khi không đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật;
b) Tiết lộ bí mật thông tin biết được khi tiến hành giám định mà không được phép của các bên liên quan;
c) Không lập hồ sơ giám định, không thực hiện việc bảo quản các hiện vật, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;
d) Sử dụng thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của mình để hành nghề giám định.
…
Theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định chi tiết hành vi tiết lộ bí mật thông tin như sau:
Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về giám định sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP
1. Hành vi tiết lộ bí mật thông tin biết được khi tiến hành giám định mà không được phép của các bên liên quan quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là một trong các hành vi sau đây:
a) Tiết lộ bí mật thông tin, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp cung cấp liên quan đến vụ việc đang giải quyết;
b) Tiết lộ thông tin, tài liệu chưa được phép công bố, thông tin thuộc diện bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền, người yêu cầu giám định cung cấp để thực hiện việc giám định.
Theo đó, tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của các bên liên quan sẽ không bị tước Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, thay vào đó bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm.
Huỳnh Lê Bình Nhi
- khoản 1 Điều 9 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN
- khoản 8 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP
- khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP
- khoản 11 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP
- Điều 43 Nghị định 105/2006/NĐ-CP
- khoản 10 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP
- Điều 42 Nghị định 105/2006/NĐ-CP
- khoản 26 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009
- khoản 1 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Sở hữu công nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?
- Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư thông qua tổ chức đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nào?
- Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào? Được sử dụng để làm gì? Ai có trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi?
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?