Tổ chức tín dụng nước ngoài được thành lập bao nhiêu văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định?
- Tổ chức tín dụng nước ngoài được thành lập bao nhiêu văn phòng đại diện tại Việt Nam?
- Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài được thực hiện các hoạt động gì?
- Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài được cấp Giấy phép có phải tiến hành khai trương hoạt động không?
Tổ chức tín dụng nước ngoài được thành lập bao nhiêu văn phòng đại diện tại Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về thành lập văn phòng đại diện nước ngoài
Thành lập văn phòng đại diện nước ngoài
Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được phép thành lập văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên lãnh thổ Việt Nam. Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng chỉ được phép thành lập một văn phòng đại diện.
Theo quy định trên thì tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, pháp luật không hạn chế số lượng văn phòng đại diện mà tổ chức tín dụng nước ngoài được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ được phép thành lập 01 văn phòng đại diện.
Tổ chức tín dụng nước ngoài được thành lập bao nhiêu văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định? (Hình từ Internet)
Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài được thực hiện các hoạt động gì?
Theo Điều 133 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài được thực hiện các hoạt động sau đây theo nội dung ghi trong Giấy phép:
- Làm chức năng văn phòng liên lạc;
- Nghiên cứu thị trường;
- Xúc tiến dự án đầu tư của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam;
- Thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận ký giữa tổ chức tín dụng nước ngoài với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam, dự án do tổ chức tín dụng nước ngoài tài trợ tại Việt Nam;
- Hoạt động khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Tổ chức tín dụng nước ngoài là pháp nhân được phép hoạt động ngân hàng ở nước ngoài;
- Quy định pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài được cấp Giấy phép có phải tiến hành khai trương hoạt động không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
Điều kiện khai trương hoạt động
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép chỉ được tiến hành hoạt động kể từ ngày khai trương hoạt động.
2. Để khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã gửi Ngân hàng Nhà nước Điều lệ của tổ chức tín dụng được cấp có thẩm quyền thông qua;
b) Có đủ vốn điều lệ, vốn được cấp; có kho tiền, trụ sở đủ điều kiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
c) Có cơ cấu tổ chức quản lý, hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, quy mô hoạt động;
đ) Có quy định nội bộ về tổ chức, hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ tại trụ sở chính; quy định nội bộ về quản lý rủi ro; quy định về quản lý mạng lưới hoạt động;
e) Vốn điều lệ, vốn được cấp bằng đồng Việt Nam phải được gửi đầy đủ vào tài khoản phong tỏa không hưởng lãi mở tại Ngân hàng Nhà nước ít nhất 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động. Vốn điều lệ, vốn được cấp được giải tỏa khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khai trương hoạt động;
g) Đã công bố thông tin về khai trương hoạt động theo quy định tại Điều 33 của Luật này.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài phải tiến hành khai trương hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng; quá thời hạn này mà không khai trương hoạt động thì Giấy phép đã cấp hết hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước công bố trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước về Giấy phép hết hiệu lực.
4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về điều kiện khai trương hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này ít nhất 15 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động. Ngân hàng Nhà nước đình chỉ việc khai trương hoạt động khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo đó, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài được cấp Giấy phép chỉ được tiến hành hoạt động kể từ ngày khai trương hoạt động.
Do đó, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài phải tiến hành khai trương hoạt động, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.
Quá thời hạn nêu trên mà không khai trương hoạt động thì Giấy phép đã cấp sẽ hết hiệu lực.
Trịnh Lê Vy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Văn phòng đại diện có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?
- Quy trình tổ chức sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ ngày 1/1/2025 được thực hiện theo Thông tư 68 như thế nào?
- Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ nào? Nội dung quản lý biên chế?
- Mẫu số 3A lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu qua mạng là mẫu nào? Báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu gồm những gì?
- Phương pháp sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ 1/1/2025 theo Thông tư 68 mới nhất như thế nào?