Ủy quyền cho con trai bán đất thì Giấy ủy quyền có bắt buộc phải công chứng hay không?
Giấy ủy quyền là gì?
Hiện nay, chưa có văn bản này quy định cụ thể về khái niệm Giấy ủy quyền. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường thì Giấy ủy quyền là hình thức đại diện ủy quyền do chủ bằng hành vi pháp lý đơn phương thực hiện, trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại Giấy ủy quyền.
Tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:
"Điều 562. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."
Bên cạnh đó, về bản chất đây vẫn được xem là một giao dịch dân sự theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Giấy ủy quyền bán đất có bắt buộc phải công chứng không?
Giấy ủy quyền bán đất có bắt buộc phải công chứng không?
Theo Luật Công chứng 2014, hiện nay không có quy định về thủ tục công chứng giấy ủy quyền mà chỉ có đề cập tới thủ tục công chứng Hợp đồng ủy quyền. Do đó, có thể hiểu là Giấy ủy quyền không bắt buộc phải công chứng.
Tuy nhiên, tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định, các trường hợp chứng thực chữ ký có đề cập đến giấy ủy quyền như sau: Chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Bên cạnh đó, tại Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định về chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cụ thể:
"2. Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
c) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
d) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
3. Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch."
Như vậy, giấy ủy quyền chỉ được chứng thực chữ ký trong trường hợp không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường. Đồng thời, chỉ thực hiện hiện chứng thực chữ ký nếu thuộc 04 trường hợp trên. Do đó, Giấy ủy quyền mua bán đất thì sẽ phải thực hiện theo chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Bên cạnh đó, trên thực tế, nhằm tránh trường hợp phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hoạt động ủy quyền liên quan đến các giao dịch về nhà đất, các bên nên tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền. Cho nên, trường hợp này bạn nên lập Hợp đồng ủy quyền.
Thủ tục công chứng giấy ủy quyền mua bán đất thực hiện như thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn mong muốn lập giấy ủy quyền để ủy quyền cho con trai bán đất. Đồng thời, theo như phân tích ở trên thì bạn có thể lựa chọn chứng thực hợp đồng ủy quyền hoặc công chứng hợp đồng ủy quyền.
- Đối với lựa chọn chứng thực hợp đồng ủy quyền:
+ Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
+ Về thành phần hồ sơ, được quy định tại tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
“Người yêu cầu chứng thực nộp 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực;
c) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng”.
Như vậy, yêu cầu về thành hồ sơ chứng thực HĐ, GD ở cấp xã rất đơn giản, rất thuận tiện cho người dân tham gia các HĐ, GD. Về nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính, người thực hiện chứng thực không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
+ Thời hạn giải quyết, căn cứ theo Điều 37 Nghị định 23/2015/NĐ-CP: “Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.”
+ Mức thu lệ phí là 50.000 đồng, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành .
- Đối với lựa chọn công chứng hợp đồng ủy quyền:
+ Chuẩn bị hồ sơ: Căn cứ theo khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014 bạn cần một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:
“1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.”
+ Nộp hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền:
Hiện nay, pháp luật không quy định về nơi phải thực hiện việc công chứng hợp đồng ủy quyền, nền bạn có thể thực hiện tại bất kỳ nơi nào.
+ Ký kết hợp đồng ủy quyền:
Sau khi kiểm tra lại nội dung Hợp đồng ủy quyền, bạn và người cùng tham gia hợp đồng phải ký tên trực tiếp trên Hợp đồng ủy quyền dưới sự chứng kiến của Công chứng viên. Trong trường hợp không thể ký và ghi rõ họ tên, bạn có thể yêu cầu được điểm chỉ trong văn bản thỏa thuận.
Lê Diễm Phúc
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Ủy quyền có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai?
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?