Tôi và chồng có được đồng sở hữu tài sản là mảnh đất được thừa kế từ cha mẹ hay không?
Quyền thừa kế theo pháp luật Việt Nam được quy định như thế nào?
Thừa kế được hiểu một cách ngắn gọn là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được phân loại thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Căn cứ vào quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 thì mọi người đều có quyền thừa kế cụ thể như sau:
- Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật sẽ không bị phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi của mình. Mọi cá nhân đều bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết.
Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là gì?
Tôi và chồng có được đồng sở hữu tài sản là mảnh đất được thừa kế từ cha mẹ hay không?
Về khái niệm, căn cứ vào Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng được hiểu là:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Về nguyên tắc chung, căn cứ vào Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định như sau:
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
- Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
Khi người chồng được nhận thừa kế mảnh đất từ bố mẹ thì có được quyền thêm tên người vợ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng cụ thể như sau: Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Căn cứ vào Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung cụ thể như sau:
- Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng cụ thể như sau: Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Từ những căn cứ trên thì tình huống của bạn được chia ra hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất: hai vợ chồng bạn đều được nhận thừa kế tài sản là mảnh đất từ bố mẹ (xác định là tài sản chung) và theo pháp luật quy định tài sản này phải đăng ký quyền sử dụng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì phải ghi tên của cả hai vợ chồng bạn (trừ trường hợp bạn hoặc chồng bạn có văn bản ủy quyền cho người còn lại đại diện đứng tên).
- Trường hợp thứ hai: trong thời kỳ hôn nhân, chồng bạn được thừa kế riêng từ cha mẹ (tài sản riêng của chồng bạn) nhưng chồng bạn muốn nhập tài sản này vào tài sản chung thì có thể ghi tên cả hai vợ chồng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì pháp luật không có quy định hạn chế việc này.
Trần Thị Quỳnh Mai
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài sản của vợ chồng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nào?
- Tiến hành xác định diện tích đất nào trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện theo Luật Đất đai mới?
- Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN là hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước đúng không?
- Quyết định trưng dụng đất có được ủy quyền không? Cơ quan nào sẽ quyết định bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra?
- Thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chậm nhất là bao nhiêu ngày theo quy định pháp luật?