Trại tạm giam là gì? Giám thị trại tạm giam có thể quyết định cho người bị tạm giam được gặp những ai?

Giám thị trại tạm giam có thể quyết định cho người bị tạm giam được gặp những ai? Giám thị trại tạm giam trong quân đội được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù là bao nhiêu? Đây là câu hỏi của anh X,P đến từ Vĩnh Long.

Trại tạm giam là gì?

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có giải thích cơ sở giam giữ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.

Như vậy trại tạm giam là cơ sở giam giữ theo quy định,

Trước đây tại Điều 4 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP (Hết hiệu lực ngày 01/01/2018) có giải thích:

Trại tạm giam là nơi giam, giữ những người thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này, những người bị kết án tù hoặc tử hình đang chờ thi hành án. Trong Trại tạm giam có một số buồng để tạm giữ người được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này và những người bị bắt theo Lệnh truy nã.

Trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Trại tạm giam ở Công an cấp tỉnh giam, giữ những đối tượng thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Toàn án nhân dân. Trại tạm giam quân sự giam, giữ những đối tượng thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án trong Quân đội nhân dân.

trại tạm giam

Trại tạm giam (Hình từ Internet)

Giám thị trại tạm giam có thể quyết định cho người bị tạm giam được gặp những ai?

Giám thị trại tạm giam có thể quyết định cho người bị tạm giam được gặp những ai, thì căn cứ theo Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 như sau:

Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam
...
3. Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Quyết định phân loại, tổ chức giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
c) Quyết định kiểm tra, thu giữ, xử lý tài liệu, đồ vật thuộc danh mục cấm;
d) Ra lệnh trích xuất để khám, chữa bệnh và phục vụ công tác giam giữ; ra lệnh trích xuất hoặc quyết định cho gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
đ) Thực hiện lệnh trích xuất hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc các tổ chức nhân đạo;
e) Tổ chức bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ; bảo đảm vệ sinh môi trường; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thông báo cho cơ quan y tế nơi gần nhất khi có dịch bệnh xảy ra để phối hợp dập tắt dịch bệnh.
4. Phó Trưởng nhà tạm giữ, Phó Giám thị trại tạm giam có trách nhiệm giúp Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam theo sự phân công hoặc ủy quyền của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam và chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
5. Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Phó giám thị trại tạm giam, người thi hành tạm giữ, tạm giam phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình trong việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, Giám thị trại tạm giam có thể quyết định cho người bị tạm giam được gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định.

Trường hợp người bị tạm giam là người nước ngoài thì có thể cho người này được tiếp xúc lãnh sự hoặc các tổ chức nhân đạo.

Giám thị trại tạm giam trong quân đội được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù là bao nhiêu?

Thì căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Quyết định 10/2013/QĐ-TTg như sau:

Mức phụ cấp
1. Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với:
a) Giám thị, Chính trị viên, Phó giám thị trại giam, trại tạm giam;
b) Trợ lý giam giữ, Trợ lý giáo dục, Đội trưởng, Đội phó, Tổ trưởng, Quản giáo, Vệ binh, Cảnh vệ tư pháp, Bác sĩ, nhân viên quân y khám chữa bệnh cho phạm nhân và bị can ở các trại giam, trại tạm giam.
2. Mức phụ cấp 20% áp dụng đối với:
Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm các công việc còn lại ở các trại giam, trại tạm giam.
3. Mức phụ cấp 15% áp dụng đối với:
Cán bộ thuộc Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng và Cơ quan Thi hành án hình sự cấp Quân khu làm công tác lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, kiểm tra công tác trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
4. Mức phụ cấp 10% áp dụng đối với:
Cán bộ, chiến sĩ làm các công việc ở các nhà tạm giữ, nhà tạm giữ có buồng tạm giam.
5. Chế độ phụ cấp đặc thù được chi trả cùng kỳ lương, phụ cấp quân hàm hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Như vậy, Giám thị trại tạm giam trong quân đội được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù là 25% mức lương cấp bậc quân hàm, ngạch bậc hiện hưởng hoặc phụ cấp quân hàm cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Chế độ phụ cấp đặc thù được chi trả cùng kỳ lương, phụ cấp quân hàm hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trại tạm giam

Nguyễn Nhật Vy

Trại tạm giam
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trại tạm giam có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào