Tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản khác nhau thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
- Tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản khác nhau thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
- Tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn là quyền sử dụng đất được lựa chọn Tòa án nơi có bất động sản giải quyết khi nào?
- Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn được quy định ra sao?
Tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản khác nhau thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
Căn cứ theo quy định tại Mục 7 Phần III Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019 như sau:
...
7. Trường hợp vụ án tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản tranh chấp khác nhau thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Trường hợp này, quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng đã ly hôn, nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên căn cứ các quy định nêu trên thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.
...
Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao xác định tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
...
Như vậy, tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn là bất động sản được xác định là tranh chấp về hôn nhân và gia đình nên tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản khác nhau thì Tòa án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết.
Tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản khác nhau thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết? (Hình từ Internet)
Tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn là quyền sử dụng đất được lựa chọn Tòa án nơi có bất động sản giải quyết khi nào?
Như đã nêu trên thì trường hợp nơi bị đơn cư trú cũng là nơi có bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu
1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
...
Như vậy, nguyên đơn trong vụ án tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn là quyền sử dụng đất được lựa chọn Tòa án nơi có bất động sản giải quyết khi không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn.
Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn được quy định ra sao?
Căn cứ theo Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình được quy định như sau:
- Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình.
Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Nguyễn Bình An
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tranh chấp chia tài sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thay thế tờ khai hải quan bằng chứng từ trong hồ sơ hải quan được không? Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan?
- Điều dưỡng hạng 4 phải tốt nghiệp trình độ gì? Mã số chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng 4? Hệ số lương của điều dưỡng hạng 4?
- Mẫu đề cương báo cáo nội dung về công tác thanh tra định kỳ mới nhất? Có bao nhiêu nguyên tắc hoạt động thanh tra?
- Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 1954 Liên quân Việt Lào giải phóng thị xã Thà Khẹt vào thời gian nào?
- Có được trừ ngày nghỉ phép năm vào lịch nghỉ Tết âm lịch của người lao động tại các doanh nghiệp không?