Trình tự chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO thực hiện như thế nào? Hồ sơ đề nghị chuyển giao cần những gì?
- Việc chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO được quy định như thế nào?
- Trình tự chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO thực hiện như thế nào?
- Hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO cần những gì?
Việc chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO được quy định như thế nào?
Hợp đồng BTO là hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Build - Transfer - Operate), là một trong các loại của hợp đồng dự án PPP theo điểm b khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 giải thích.
Căn cứ theo Điều 67 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định về chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng như sau:
Chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng
1. Việc chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và xác định chất lượng, giá trị công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trước khi chuyển giao thực hiện theo quy định tại hợp đồng dự án PPP. Giá trị còn lại của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sau chuyển giao được tổng hợp vào tài sản nhà nước và ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước.
2. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản chuyển giao thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
Theo đó, việc chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và xác định chất lượng, giá trị công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO trước khi chuyển giao thực hiện theo quy định tại hợp đồng dự án PPP.
Giá trị còn lại của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sau chuyển giao được tổng hợp vào tài sản nhà nước và ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước.
Chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO (Hình từ Internet)
Trình tự chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Nghị định 35/2021/NĐ-CP, như vậy trình tự chuyển giao công trình đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO thực hiện như sau:
- Trường hợp công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đủ điều kiện xác nhận hoàn thành theo quy định, doanh nghiệp dự án PPP đồng thời gửi hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đến cơ quan ký kết hợp đồng;
- Cơ quan ký kết hợp đồng thực hiện ký biên bản nhận chuyển giao tài sản và lập hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
- Doanh nghiệp dự án PPP thực hiện quản lý, vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng theo hợp đồng dự án;
- Chậm nhất 01 năm trước ngày chấm dứt hợp đồng dự án theo quy định tại hợp đồng, doanh nghiệp dự án PPP phải đăng báo công khai việc bàn giao tài sản, thời hạn thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ. Đồng thời có văn bản đề nghị bàn giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đến cơ quan ký kết hợp đồng;
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, cơ quan ký kết hợp đồng dự án chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tài sản, cơ quan tài chính và các cơ quan khác có liên quan (nếu cần) thực hiện các công việc sau:
+ Tổ chức giám định chất lượng, giá trị, tình trạng công trình theo nguyên tắc, điều kiện thỏa thuận tại hợp đồng dự án.
+ Lập danh mục tài sản chuyển giao.
+ Lập biên bản xác định các hư hại của tài sản (nếu có) để yêu cầu doanh nghiệp dự án thực hiện việc sửa chữa, bảo trì tài sản.
+ Trường hợp công trình đáp ứng các yêu cầu, cơ quan ký kết hợp đồng thực hiện ký biên bản nhận chuyển giao tài sản.
+ Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc giao một cơ quan, đơn vị vận hành, kinh doanh và bảo trì công trình theo quy định;
- Cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán giá trị tài sản của dự án PPP, làm cơ sở để hạch toán tăng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
- Chậm nhất 30 ngày trước ngày chấm dứt hợp đồng dự án PPP theo thời hạn quy định tại hợp đồng, cơ quan ký kết hợp đồng phối hợp cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành, kinh doanh và bảo trì công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng tổ chức thực hiện lập hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân; lập phương án xử lý tài sản, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
- Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, vận hành, kinh doanh và bảo trì công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy định.
Hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO cần những gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng
...
2. Đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO, BTL, doanh nghiệp dự án bổ sung báo cáo về tính đáp ứng của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với nguyên tắc, điều kiện quy định tại Điều 77 của Nghị định này trong hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng để thực hiện thủ tục chuyển giao.
Tại khoản 1 Điều 76 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng
1. Sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng, doanh nghiệp dự án lập hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng. Hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm:
a) Văn bản đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
b) Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng;
c) Văn bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, văn bản xác nhận khối lượng thi công xây dựng hoàn thành công trình thuộc tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công (trường hợp dự án PPP hình thành tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 70 của Luật PPP) của cơ quan ký kết hợp đồng.
Như vậy, hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BTO gồm:
- Báo cáo về tính đáp ứng của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với nguyên tắc, điều kiện chuyển giao, tiếp nhận công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng dự án PPP;
- Văn bản đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
- Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng;
- Văn bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, văn bản xác nhận khối lượng thi công xây dựng hoàn thành công trình thuộc tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công (trường hợp dự án PPP hình thành tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của cơ quan ký kết hợp đồng.
Mai Hoàng Trúc Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Dự án PPP có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?
- Quy trình tổ chức sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ ngày 1/1/2025 được thực hiện theo Thông tư 68 như thế nào?
- Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ nào? Nội dung quản lý biên chế?
- Mẫu số 3A lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu qua mạng là mẫu nào? Báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu gồm những gì?
- Phương pháp sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ 1/1/2025 theo Thông tư 68 mới nhất như thế nào?