Trong tương lai, việc mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều của người cư trú là công dân Việt Nam được tiến hành như thế nào?
- Ai được mua chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của người cư trú là công dân Việt Nam?
- Nguồn ngoại tệ chuyển, mang ra nước ngoài được lấy từ đâu?
- Mua ngoại tệ để chuyển hoặc mang ra nước ngoài được quy định ra sao?
- Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài được quy định ra sao?
Ai được mua chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của người cư trú là công dân Việt Nam?
Theo Điều 9 Dự thảo Thông tư hướng dẫn chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài thì người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP, cụ thể:
- Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
- Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
- Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
- Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
- Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
- Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
- Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Trong tương lai việc mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều của người cư trú là công dân Việt Nam sẽ được quy định ra sao?
Nguồn ngoại tệ chuyển, mang ra nước ngoài được lấy từ đâu?
Theo Điều 10 Dự thảo Thông tư hướng dẫn chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài thì nguồn ngoại tệ chuyển, mang ra nước ngoài được quy định như sau:
"Điều 10. Nguồn ngoại tệ chuyển, mang ra nước ngoài
Người cư trú là công dân Việt Nam có nhu cầu chuyển, mang ngoại tệ cho các mục đích chuyển tiền một chiều được sử dụng ngoại tệ tự có của cá nhân (bao gồm ngoại tệ trên tài khoản thanh toán, ngoại tệ gửi tiết kiệm, ngoại tệ tự cất giữ), ngoại tệ mua của ngân hàng được phép để chuyển, mang ra nước ngoài."
Mua ngoại tệ để chuyển hoặc mang ra nước ngoài được quy định ra sao?
Theo Điều 11 Dự thảo Thông tư hướng dẫn chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài thì việc mua ngoại tệ để chuyển hoặc mang ra nước ngoài được quy định như sau:
"Điều 11. Mua ngoại tệ để chuyển hoặc mang ra nước ngoài
1. Người cư trú là công dân Việt Nam có nhu cầu ngoại tệ để chuyển hoặc mang ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP liên hệ với ngân hàng được phép để mua ngoại tệ, chuyển hoặc mang ra nước ngoài.
2. Trường hợp người cư trú là công dân Việt Nam mua ngoại tệ của ngân hàng được phép để mang ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều theo quy định với số lượng trên mức phải khai báo hải quan phải xin Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài do các ngân hàng được phép cấp theo quy định hiện hành của pháp luật về mang ngoại tệ tiền mặt khi xuất, nhập cảnh.
3. Trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có, ngân hàng được phép có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam để chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều."
Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài được quy định ra sao?
Theo Điều 13 Dự thảo Thông tư hướng dẫn chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài thì mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài được quy định như sau:
Điều 13. Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài
1. Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, trả các loại phi, lê phí cho nước ngoài quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP được căn cứ vào mức chi phí do phía nước ngoài thông báo. Trường hợp không có thông báo của nước ngoài về tiền ăn, ở, sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan đối với các mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, ngoài số tiền chi phí đã được phía nước ngoài thông báo, người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang thêm ngoại tệ theo mức quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP được thực hiện theo quy định sau:
a) Các ngân hàng được phép quyết định mức ngoại tệ mua, chuyển, mang trên cơ sở nhu cầu của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người được trợ cấp ở nước ngoài; và
b) Mức ngoại tệ mua, chuyển, mang cho một người được hưởng trợ cấp ở nước ngoài trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp đang sinh sống. Số liệu về thu nhập bình quân đầu người của các nước được Ngân hàng thế giới công bố gần nhất trên trang https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD
3. Mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng theo quy định pháp luật về thừa kế.
4. Mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài quy định tại điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP căn cứ vào giá trị tài sản được hình thành hợp pháp tại Việt Nam trước khi nhập quốc tịch hoặc được phép cư trú dài hạn ở nước ngoài của người chuyển tiền. Trường hợp chuyển tiền để thanh toán các chi phi liên quan đến thủ tục xin định cư ở nước ngoài (không bao gồm giá trị đầu tư để có quốc tịch hoặc được định cư ở nước ngoài), mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài được căn cứ vào mức chi phí do phía nước ngoài thông báo. Các giao dịch chuyển tiền đầu tư để được phép có quốc tịch hoặc định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định hiện hành về hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Tải về Dự thảo Thông tư hướng dẫn chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài tại đây.
Đặng Tấn Lộc
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Ngoại tệ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?