Trường hợp chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ cho tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai thuế, nộp thuế như thế nào?
Trái phiếu được hiểu như thế nào?
- Tại khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, quy định về các loại chứng khoán, như sau:
Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
+ Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
+ Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
+ Chứng khoán phái sinh;
+ Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Trong đó, quy định tại khoản 3 Điều này quy định trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Như vậy, trái phiếu được xem là một loại chứng khoán xác nhận người sở hữu trái phiếu đang cho tổ chức phát hành trái phiếu vay.
Khi một doanh nghiệp cần huy động vốn để sản xuất kinh doanh, họ có thể lựa chọn :
• Tăng vốn chủ sở hữu : Bằng cách phát hành cổ phần cho các cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông mới
• Vay nợ : Doanh nghiệp có thể lựa chọn hai hình thức chính là (1) vay ngân hàng ngắn/ dài hạn hoặc (2) phát hành Trái phiếu khi muốn vay dài hạn từ 1 năm trở lên
Khi bạn mua trái phiếu do một doanh nghiệp phát hành, lúc này bạn là chủ nợ của doanh nghiệp đó.
Chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ cho tổ chức, cá nhân
Trình tự, thủ tục chào bán và chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ
Căn cứ tại Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về trình tự, thủ tục, chào bán và chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ như sau:
- Công ty quyết định phương án chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định của Luật này.
- Công ty công bố thông tin trước mỗi đợt chào bán cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và thông báo đợt chào bán cho sở giao dịch chứng khoán ít nhất 01 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt chào bán trái phiếu.
- Công ty công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu và thông báo kết quả đợt chào bán đến sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán trái phiếu.
- Trái phiếu phát hành riêng lẻ được chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư đáp ứng điều kiện về đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật này, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, phán quyết của Trọng tài có hiệu lực hoặc thừa kế theo quy định pháp luật.
- Căn cứ quy định của Luật này và Luật Chứng khoán, Chính phủ quy định chi tiết về loại trái phiếu, hồ sơ, trình tự, thủ tục phát hành và giao dịch trái phiếu riêng lẻ; công bố thông tin; phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ cho tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai thuế, nộp thuế như thế nào?
* Về thuế thu nhập cá nhân:
Căn cứ tại điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC), quy định về thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn, cụ thể như sau:
"4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
...
b. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp."
Về thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối vơi thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC, như sau:
"c) Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:
c.1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán là thời điểm người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
c.2) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán là thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.
c.3) Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực.
c.4) Đối với trường hợp góp vốn bằng chứng khoán mà chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán do góp vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn."
Bên cạnh đó, tại Điều 20 Thông tư 111/2013/TT-BTC, quy định về việc khai thuế từ chuyển nhượng vốn đối với cá nhân không cư trú:
- Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân (×) với thuế suất 0,1%, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.
Tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam là giá chuyển nhượng vốn không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.
- Giá chuyển nhượng đối với từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:
+ Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp thì giá chuyển nhượng được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại điểm a.1, khoản 1, Điều 11 Thông tư này.
+ Trường hợp chuyển nhượng chứng khoán thì giá chuyển nhượng được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại điểm a.1, khoản 2, Điều 11 Thông tư này.
- Thời điểm xác định thu nhập tính thuế:
+ Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.
+ Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân không cư trú được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 2, Điều 11 Thông tư này.
Ngoài ra, căn cứ tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC), về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, như sau:
- Thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
+ Giá chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:
++ Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.
++ Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.
- Thuế suất và cách tính thuế:
Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Cách tính thuế:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1%
* Quy định về khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn tại điểm g khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, như sau:
"Điều 8. Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế
4. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo từng lần phát sinh, bao gồm:
...
g) Thuế thu nhập cá nhân do cá nhân trực tiếp khai thuế hoặc tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng từ nước ngoài; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng."
* Về khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), căn cứ điểm d khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định đối tượng không chịu thuế GTGT, như sau:
"d) Chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật."
Như vậy, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
* Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):
Căn cứ Điều 15 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, như sau:
“1. Phạm vi áp dụng:
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là thu nhập có được từ việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định.
…
Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng chứng khoán không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ...) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Giá trị tài sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ...được xác định theo giá bán của sản phẩm trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản.
2. Căn cứ tính thuế:
…
Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.”
Căn cứ tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC về đối tượng áp dụng:
“Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.”
Tại Điều 4 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định về người nộp thuế:
"Điều 4. Người nộp thuế
…
2. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh: mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ; mua hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms); thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Bên Việt Nam) bao gồm:
…
- Công ty chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại nơi quỹ đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài mở tài khoản đầu tư chứng khoán;
…"
Tại Điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định về thu nhập chịu thuế TNDN:
"Điều 7. Thu nhập chịu thuế TNDN
…
3. Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I), không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. Thu nhập chịu thuế của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể như sau:
…
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
…"
Tại Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định tính thuế thu nhập doanh nghiệp:
“1. Doanh thu tính thuế TNDN
a) Doanh thu tính thuế TNDN
Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).
b) Xác định doanh thu tính thuế TNDN đối với một số trường hợp cụ thể:
…
b.10) Đối với chuyển nhượng chứng khoán, doanh thu tính thuế TNDN được xác định như sau:
Đối với chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là tổng doanh thu bán chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi tại thời điểm chuyển nhượng.
…
2. Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế
a) Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với ngành kinh doanh:
…
Kinh doanh chứng khoán: Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 0,1 %."
Căn cứ Công văn 2953/BTC-CST ngày 06/03/2015 về việc thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài,
Căn cứ quy định trên và hồ sơ đính kèm:
Trường hợp Công ty ký Hợp đồng đại lý đăng ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng trái phiếu cho Tổ chức phát hành thì khi các nhà đầu tư (bao gồm tổ chức và cá nhân) chuyển nhượng trái phiếu cho tổ chức, cá nhân khác (bao gồm bán lại cho Tổ chức phát hành) thực hiện kê khai, nộp thuế như sau:
+ Nếu nhà đầu tư là cá nhân (bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam):
Khi chuyển nhượng trái phiếu, Công ty thực hiện khấu trừ, kê khai, nộp thuế TNCN thay cho cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
+ Nếu nhà đầu tư là tổ chức trong nước hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì khi chuyển nhượng trái phiếu, Công ty không phải khấu trừ, kê khai nộp thay (Tổ chức chuyển nhượng trái phiếu kê khai vào thu nhập khác (nếu có) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp).
Lê Diễm Phúc
- Điều 15 Thông tư 78/2014/TT-BTC
- điểm d khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC
- điểm g khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP
- Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC
- Điều 20 Thông tư 111/2013/TT-BTC
- điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC
- Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC
- điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC
- Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2020
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Kê khai thuế có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan là hạt nhân chính trị ở cơ sở đúng không? Nhiệm vụ lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng?
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?
- Quy trình tổ chức sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ ngày 1/1/2025 được thực hiện theo Thông tư 68 như thế nào?
- Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ nào? Nội dung quản lý biên chế?