Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nào?
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nào?
- Khi được giao làm đại diện chủ sở hữu cho các doanh nghiệp thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm thế nào?
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 131/2018/NĐ-CP thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu đối với 20 doanh nghiệp sau:
(1) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
(2) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
(3) Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
(4) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
(5) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;
(6) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
(7) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
(8) Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;
(9) Tổng công ty Viễn thông MobiFone;
(10) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam;
(11) Tổng công ty Hàng không Việt Nam;
(12) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
(13) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
(14) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;
(15) Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;
(16) Tổng công ty Cà phê Việt Nam;
(17) Tổng công ty Lương thực miền Nam;
(18) Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
(19) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam;
(20) Các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Hình từ Internet)
Khi được giao làm đại diện chủ sở hữu cho các doanh nghiệp thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 131/2018/NĐ-CP có quy định về quyền hạn và trách nhiệm đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu như sau:
- Quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
- Quyết định thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, yêu cầu phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và theo đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được phê duyệt;
- Ban hành điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;
- Phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; phê duyệt, thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp;
- Quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Kiểm soát viên tài chính; quyết định quỹ tiền lương, thù lao hằng năm của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Phê duyệt để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp và các chức danh quản lý khác theo quy định.
Báo cáo xin ý kiến Ban cán sự đảng Chính phủ trước khi có văn bản chấp thuận để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty bổ nhiệm Tổng giám đốc theo quy định tại điều lệ doanh nghiệp;
- Phê duyệt để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
- Quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong trường hợp giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất vốn đầu tư;
- Quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; quyết định chủ trương tiếp nhận công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty con, công ty liên kết của doanh nghiệp;
- Phê duyệt báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của doanh nghiệp;
- Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, việc tuyển dụng lao động, thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Đánh giá kết quả hoạt động, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật.
* Đồng thời theo khoản 4 Điều này có quy định về quyền hạn và nhiệm vụ đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, cụ thể:
- Cử, bãi nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, quyết định tiền lương, phụ cấp trách nhiệm, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Quyết định theo thẩm quyền việc đầu tư tăng vốn, đầu tư bổ sung vốn nhà nước, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Giám sát việc thu hồi vốn đầu tư, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện những nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; có ý kiến kịp thời bằng văn bản đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đại diện phải báo cáo, xin ý kiến;
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm thế nào?
Tại Điều 7 Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định về Trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như sau:
Trách nhiệm của Ủy ban
1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và gia tăng tổng giá trị danh mục vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được giao quản lý. Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
2. Không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp; không quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền hợp pháp của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp.
3. Công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Thực hiện công khai thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định kỳ theo quy định của pháp luật hoặc đột xuất về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
5. Lập và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền các báo cáo phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Ủy ban trong việc thực hiện mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện các nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
7. Giải trình trước cơ quan có thẩm quyền về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
8. Thực hiện các trách nhiệm khác theo phân công, giao nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vốn nhà nước có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở gồm những gì? Thời hạn lập Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất?
- Phổ cập giáo dục là gì? Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục cho cấp học nào? Ai thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục?
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?
- Mẫu Đơn đề nghị tách hội mới nhất? Hướng dẫn lập đơn đề nghị tách hội? Tải về mẫu đơn đề nghị tách hội ở đâu?
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?