Vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định thì tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định thì tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt tổ chức vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định là bao lâu?
Vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định thì tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 1 đến khoản 6, khoản 9 Điều 33 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới và trên các vùng biển như sau:
Hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới và trên các vùng biển
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp trị giá xăng dầu vi phạm dưới 10.000. 000 đồng:
a) Vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định;
b) Buôn bán, trao đổi, sang mạn xăng dầu trên biển với tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trị giá xăng dầu vi phạm từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trị giá xăng dầu vi phạm từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trị giá xăng dầu vi phạm từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trị giá xăng dầu vi phạm từ 70.000.000 đống đến dưới 100.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trị giá xăng dầu vi phạm từ 100.000.000 đồng trở lên.
...
9. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 6 Điều này.
...
Căn cứ Điều 5 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Quy định về mức phạt tiền
Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III và IV của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức.
Theo quy định trên, tùy thuộc vào trị giá xăng dầu mà tổ chức vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tương ứng được quy định từ điểm a khoản 1 đến khoản 6 Điều 33 nêu trên.
Đồng thời tổ chức vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật vi phạm và phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Vận chuyển xăng dầu (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt tổ chức vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định không?
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 63 Nghị định 99/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 4 Nghị định 17/2022/NĐ-CP về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, Quản lý thị trường và Thanh tra
1. Phân định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp:
...
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này (trừ trường hợp người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 4, 5, 6 Điều 6 và khoản 5, 6 Điều 7) theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 56 của Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
...
Theo khoản 3 Điều 56 Nghị định 99/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 4 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khí có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
...
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu với mức phạt tiền cao nhất là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Do tổ chức vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 100.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt tổ chức này.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định là 02 năm.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vận chuyển xăng dầu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 lưu ý quan trọng khi đánh giá xếp loại đảng viên cuối năm? Điều kiện cơ bản để được đánh giá xếp loại?
- Hóa đơn bán hàng là gì? Trường hợp nào được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng?
- Giáo dục mầm non là gì? Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm yêu cầu gì theo quy định pháp luật?
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?