Vận tải đa phương thức nội địa được hiểu là gì? Ai có quyền kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa?
- Vận tải đa phương thức nội địa là gì?
- Ai có quyền kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa?
- Chữ ký trên chứng từ vận tải đa phương thức nội địa được thực hiện như thế nào?
- Chứng từ trong vận tải đa phương thức nội địa được thực hiện theo dạng nào?
- Chứng từ vận tải đa phương thức có các nội dung chính nào?
Vận tải đa phương thức nội địa là gì?
Vận tải đa phương thức nội địa được giải thích tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 87/2009/NĐ-CP thì vận tải đa phương thức nội địa là vận tải đa phương thức được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Trong đó, vận tải đa phương thức là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức.
Vận tải đa phương thức nội địa được hiểu là gì? Ai có quyền kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa? (Hình từ Internet)
Ai có quyền kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa?
Quyền kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 87/2009/NĐ-CP như sau:
Quy định về kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa
1. Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mới được kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa và phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức;
b) Có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức.
2. Người kinh doanh các phương thức vận tải tham gia vào hoạt động vận tải đa phương thức nội địa phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật tương đương với mỗi phương thức vận tải.
Theo quy định trên thì chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mới được kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa và phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức;
- Có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức.
Chữ ký trên chứng từ vận tải đa phương thức nội địa được thực hiện như thế nào?
Chữ ký trên chứng từ vận tải đa phương thức nội địa được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 87/2009/NĐ-CP như sau:
Phát hành chứng từ vận tải đa phương thức nội địa
1. Khi người kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa đã tiếp nhận hàng hóa thì phải phát hành một chứng từ vận tải đa phương thức.
2. Chứng từ vận tải đa phương thức do người kinh doanh vận tải đa phương thức ký hoặc người được người kinh doanh vận tải đa phương thức ủy quyền ký.
3. Chữ ký trên chứng từ vận tải đa phương thức có thể là chữ ký tay, chữ ký được in qua fax, đục lỗ, đóng dấu, ký hiệu hoặc bằng bất kỳ phương tiện cơ học hoặc điện tử nào khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, chữ ký trên chứng từ vận tải đa phương thức nội địa có thể là chữ ký tay, chữ ký được in qua fax, đục lỗ, đóng dấu, ký hiệu hoặc bằng bất kỳ phương tiện cơ học hoặc điện tử nào khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chứng từ trong vận tải đa phương thức nội địa được thực hiện theo dạng nào?
Chứng từ trong vận tải đa phương thức nội địa được thực hiện theo dạng được quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 87/2009/NĐ-CP như sau:
Các dạng chứng từ vận tải đa phương thức
1. Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được thì được phát hành theo một trong các hình thức sau:
a) Xuất trình;
b) Theo lệnh;
c) Theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc.
2. Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng không chuyển nhượng được thì được phát hành theo hình thức đích danh người nhận hàng.
3. Các dạng chứng từ trong vận tải đa phương thức nội địa do các bên thỏa thuận.
Như vậy, theo quy định trên thì dạng chứng từ trong vận tải đa phương thức nội địa do các bên thỏa thuận.
Chứng từ vận tải đa phương thức có các nội dung chính nào?
Chứng từ vận tải đa phương thức có các nội dung chính được quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 87/2009/NĐ-CP như sau:
- Đặc tính tự nhiên chung của hàng hóa; ký hiệu, mã hiệu cần thiết để nhận biết hàng hóa; tính chất nguy hiểm hoặc mau hỏng của hàng hóa; số lượng kiện hoặc chiếc; trọng lượng cả bì của hàng hóa hoặc số lượng của hàng hóa được diễn tả cách khác;
+ Tất cả các chi tiết nói trên do người gửi hàng cung cấp;
- Tình trạng bên ngoài của hàng hóa;
- Tên và trụ sở chính của người kinh doanh vận tải đa phương thức;
- Tên của người gửi hàng;
- Tên người nhận hàng nếu người gửi hàng đã nêu tên;
- Địa điểm và ngày người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa;
- Địa điểm giao trả hàng;
- Ngày hoặc thời hạn giao trả hàng tại địa điểm giao trả hàng, nếu các bên liên quan đã thỏa thuận;
- Nêu rõ chứng từ vận tải đa phương thức là loại chứng từ chuyển nhượng được hoặc không chuyển nhượng được.
- Chữ ký của người đại diện cho người kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc của người được người kinh doanh vận tải đa phương thức ủy quyền;
- Cước phí vận chuyển cho mỗi phương thức vận tải nếu các bên liên quan đã thỏa thuận, hoặc cước phí vận chuyển, đồng tiền thanh toán cước phí mà người nhận hàng thanh toán, hoặc sự diễn tả khác về cước phí sẽ được người nhận hàng thanh toán;
- Tuyến hành trình dự định, phương thức vận tải trong từng chặng và các địa điểm chuyển tải nếu đã được biết khi phát hành chứng từ vận tải đa phương thức;
- Các chi tiết khác mà các bên liên quan nhất trí đưa vào chứng từ vận tải đa phương thức, nếu không trái với quy định của pháp luật.
Bùi Thị Thanh Sương
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vận tải đa phương thức có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?
- Phần mềm Họp không giấy của Kiểm toán nhà nước được xây dựng nhằm mục đích gì? Được quản lý tập trung ở đâu?
- Lưu học sinh Campuchia hệ đào tạo dài hạn tự lựa chọn phương tiện là xe khách có được hỗ trợ thanh toán giá vé không?
- Vận động viên đe dọa xâm phạm sức khỏe tính mạng trong thi đấu thể thao có bị xử phạt hay không?
- Giới nghiêm là gì? Lệnh giới nghiêm trong hoạt động quốc phòng cần phải xác định những nội dung nào?