Việc bảo dưỡng máy trộn vữa dùng trong xây dựng có phải công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hay không?
- Việc bảo dưỡng máy trộn vữa dùng trong xây dựng có phải công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hay không?
- Trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là gì?
- Máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động có phải máy móc dùng cho các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động không?
Việc bảo dưỡng máy trộn vữa dùng trong xây dựng có phải công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hay không?
Căn cứ Mục 4 Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
4. Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động các máy, thiết bị gồm: Búa máy, tàu hoặc máy hút bùn, máy bơm; máy bơm vữa, trộn vữa, máy phun vữa, máy phun bê tông; máy mài, cắt, tạo nhám bê tông; máy phá dỡ đa năng; máy khoan cầm tay; trạm trộn bê tông, trạm nghiền, sàng vật liệu xây dựng; máy xúc, đào, ủi, gạt, san, lu, đầm; vận hành xe tự đổ có tải trọng trên 5 tấn.
Có thể thấy, công việc vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, trong đó có máy trộn vữa dùng trong xây dựng thuộc nhóm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc bảo dưỡng máy trộn vữa dùng trong xây dựng có phải công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hay không? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là gì?
Căn cứ Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
Trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động thì phải được huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.
3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động quy định tại khoản này khi tham gia khóa huấn luyện. Mức, đối tượng và thời gian hỗ trợ do Chính phủ quy định chi tiết tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
4. Người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, người học nghề, tập nghề, người thử việc trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, phù hợp với vị trí công việc được giao.
5. Việc huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều này phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc, quy mô lao động và không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chủ động tổ chức huấn luyện riêng về an toàn, vệ sinh lao động hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện khác được pháp luật chuyên ngành quy định.
6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi có ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan.
7. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật đầu tư và Luật này.
Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
8. Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan có thẩm quyền cấp, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tiêu chuẩn về người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 7 Điều này; việc huấn luyện, tự huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, ngoài các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động chung, khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động và người lao động còn cần đảm bảo tuân thủ các quy định sau:
- Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.
- Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.
Máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động có phải máy móc dùng cho các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động không?
Căn cứ Điều 28 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
1. Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là máy, thiết bị, vật tư, chất trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp lý, đúng mục đích và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng trong quá trình lao động, sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trên cơ sở đề nghị của các bộ quy định tại Điều 33 của Luật này.
Như vậy, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là máy móc trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp lý, đúng mục đích và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng trong quá trình lao động, sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.
Theo đó, việc đề ra danh mục máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động không phụ thuộc vào danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được quy định tại Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về An toàn vệ sinh lao động có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?