Việc lấy lời khai của bị hại được thực hiện theo quy định như thế nào? Có được ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai không?
Có được ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai của bị hại hay không?
Căn cứ theo Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự như sau:
Triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự
Việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại các điều 185, 186 và 187 của Bộ luật này.
Việc lấy lời khai của bị hại, đương sự có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Như vậy, theo quy định nêu trên, trong quá trình lấy lời khai của bị hại thì có thể thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Trước khi lấy lời khai của bị hại thì phải giao giấy triệu tập cho ai?
Căn cứ theo Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và khoản 3 Điều 185 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc giao giấy triệu tập bị hại để lấy lời khai sẽ được thực hiện như sau:
- Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho bị hại hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị hại làm việc, học tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị hại làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho bị hại thực hiện nghĩa vụ;
- Giấy triệu tập bị hại dưới 18 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ;
- Việc giao giấy triệu tập bị hại theo ủy thác tư pháp của nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản này và Luật tương trợ tư pháp.
Lấy lời khai bị hại (Hình từ Internet)
Việc lấy lời khai của bị hại được thực hiện theo quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc lấy lời khai của bị hại được thực hiện tương tự như với việc lấy lời khai của người làm chứng.
Do đó, dẫn chiếu đến Điều 186 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi lấy lời khai của bị hại cũng cần tuân thủ theo một số quy định sau đây:
- Việc lấy lời khai bị hại được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó.
- Nếu vụ án có nhiều bị hại thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai.
- Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho bị hại biết quyền và nghĩa vụ của họ. Việc này phải ghi vào biên bản.
- Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng, bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của bị hại. Điều tra viên yêu cầu bị hại trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.
- Trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai bị hại. Việc lấy lời khai bị hại được tiến hành theo quy định tại Điều này.
Những quyền của bị hại trong vụ án hình sự?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại trong vụ án hình sự sẽ có những quyền như sau:
Bị hại
...
2. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Lấy lời khai có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan là hạt nhân chính trị ở cơ sở đúng không? Nhiệm vụ lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng?
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?