Việc quản lý nhà nước về báo chí gồm những nội dung nào? Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí gồm những cơ quan nào?
Việc quản lý nhà nước về báo chí gồm những nội dung nào?
Căn cứ Điều 6 Luật Báo chí 2016, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 20 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì nội dung quản lý nhà nước về báo chí gồm những nội dung sau:
- Xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển báo chí; tổ chức lập phương án phát triển cơ sở báo chí trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; xây dựng chế độ, chính sách về báo chí.
- Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo của các cơ quan báo chí và cán bộ quản lý báo chí.
- Tổ chức quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực báo chí.
- Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động báo chí và thẻ nhà báo.
- Quản lý hợp tác quốc tế về báo chí, quản lý hoạt động của cơ quan báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài và hoạt động của báo chí nước ngoài tại Việt Nam.
- Kiểm tra báo chí lưu chiểu; quản lý hệ thống lưu chiểu báo chí quốc gia.
- Chỉ đạo, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động báo chí.
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí.
Quản lý nhà nước về báo chí (Hình từ Internet)
Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí gồm những cơ quan nào?
Theo Điều 7 Luật Báo chí 2016 quy định về cơ quan quản lý nhà nước về báo chí như sau:
Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí gồm những cơ quan được quy định tại Điều 7 nêu trên.
Trước khi tổ chức họp báo thì tổ chức, cá nhân phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trong thời gian nào?
Theo quy định tại Điều 41 Luật Báo chí 2016 về họp báo như sau:
Họp báo
1. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Việc họp báo của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 10 Điều 56 của Luật này.
2. Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.
3. Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời Điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định sau đây:
a) Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;
b) Cơ quan, tổ chức không thuộc Điểm a Khoản này và công dân thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.
4. Nội dung thông báo gồm những thông tin sau đây:
a) Địa Điểm họp báo;
b) Thời gian họp báo;
c) Nội dung họp báo;
d) Người chủ trì họp báo.
5. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian quy định tại Khoản 3 Điều này; trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.
Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
6. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền đình chỉ cuộc họp báo nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo có thông tin quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 9 của Luật này.
Như vậy, cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời Điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khai quyết toán thuế là gì? Thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là bao lâu?
- Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở gồm những gì? Thời hạn lập Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất?
- Phổ cập giáo dục là gì? Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục cho cấp học nào? Ai thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục?
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?
- Mẫu Đơn đề nghị tách hội mới nhất? Hướng dẫn lập đơn đề nghị tách hội? Tải về mẫu đơn đề nghị tách hội ở đâu?