Vũ phu có phải là một biểu hiện bạo lực gia đình hay không? Người có tính vũ phu sẽ có những hiểu hiện gì?
Vũ phu là gì?
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì hiện không có định nghĩa cụ thể đối với cụm từ "Vũ phu".
Vũ phu là một từ Hán Việt, dùng để chỉ những người đàn ông có tính bạo lực, có những thái độ, hành động thô bạo đối với người khác (thường là đối với ngươì vợ của mình).
Sau đây là 06 đặc điểm mang tính tham khảo để nhận biết một người có tính vũ phu:
Thích bạo lực
Đây là dấu hiệu dễ nhận ra nhất của một kẻ vũ phu. Hãy cẩn trọng nếu bạn từng bị anh ta uy hiếp, dọa đánh hoặc quăng đồ vật vào người. Ngoài ra, bạn hãy để ý xem anh ta có từng đánh nhau hoặc hả hê, cổ vũ khi nhìn thấy một vụ đánh nhau hay không.
Ngược đãi động vật
Nhìn cách một người đối đãi với động vật, thú nuôi, chúng ta có thể đánh giá tính cách của họ. Người có thói quen ngược đãi, đánh đập thú nuôi - những con vật không có khả năng chống cự - thường là tuýp người thích động tay động chân, giải quyết vấn đề bằng nắm đấm.
Lăng mạ, sỉ nhục nạn nhân
Nếu bạn bị chửi bới, hạ thấp giá trị bản thân khi làm một việc trái ý anh ta, tốt nhất hãy tránh xa người đàn ông này. Bất kể hành động lăng mạ được thực hiện một cách kín đáo hay công khai trước mặt nhiều người, đó vẫn là thái độ không tôn trọng đối phương.
Dễ nổi nóng
Nếu người đàn ông dễ bị cáu giận trước những điều nhỏ nhặt, có thể đó là dấu hiệu của một người vũ phu. Cảm xúc là chất xúc tác cho hành động. Nếu anh ta không thể kiểm soát cảm xúc, một ngày nào đó, cơn giận sẽ chuyển hóa thành hành động và biến bạn thành nạn nhân.
Thái độ thô lỗ
Thô lỗ là tính cách đặc trưng của người vũ phu. Anh ta không quan tâm đến suy nghĩ của người khác mà tự hành động theo ý muốn của mình, khiến đối phương bị tức giận, tổn thương. Trong cuộc nói chuyện hằng ngày, nếu nhận thấy anh ta nói chuyện cộc cằn với gia đình, bạn bè của bạn, hãy tránh xa trước khi quá muộn.
Kiểm soát đối phương
Kẻ vũ phu thường thích thể hiện quyền lực của mình thông qua việc kiểm soát, chi phối nạn nhân. Sự kiểm soát được biểu hiện bằng nhiều cách, chẳng hạn như kiểm tra điện thoại, ví tiền, dùng sức mạnh để ép bạn rời khỏi cuộc tụ tập với bạn bè…
Vũ phu có phải là một biểu hiện bạo lực gia đình hay không? Người có tính vũ phu sẽ có những hiểu hiện gì? (Hình từ Internet)
Vũ phu có phải là một biểu hiện của bạo lực gia đình hay không?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Bên cạnh đó theo Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì hành vi bạo lực gia đình sẽ gồm các hành vi sau:
Hành vi bạo lực gia đình
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
2. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.
Như đã nói thì vũ phu là chỉ những người đàn ông thô bạo có những thái độ, hành động thô bạo đối với vợ của mình hoặc các thành viên khác trong gia đình.
Từ những định nghĩa và biểu hiện hành vi vừa nêu trên thì có thể thấy vũ phu cũng được xem là một biểu hiện của bạo lực gia đình.
Để phòng, chống bạo lực gia đình thì cần tuân thủ những nguyên tắc gì?
Căn cứ Điều 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì để phòng, chống bạo lực gia đình thì cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
(1) Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.
(2) Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.
(3) Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.
(4) Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.
(5) Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
(6) Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.
(7) Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Trần Thành Nhân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bạo lực gia đình có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?