Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh sau khi bỏ sổ hộ khẩu và cách điền (Hình từ Internet)
Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 528/QĐ-BTP ngày 10/4/2023 về công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh sau khi bỏ sổ hộ khẩu theo Quyết định 528/QĐ-BTP ngày 10/4/2023 như sau:
>> Tải về mẫu tờ khai đăng ký khai sinh sau khi bỏ sổ hộ khẩu tại đây:
Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh |
Cách điền mẫu tờ khai đăng ký khai sinh sau khi bỏ sổ hộ khẩu theo hướng dẫn tại Quyết định 528/QĐ-BTP ngày 10/4/2023 như sau:
(1) Ghi rõ tên cơ quan đăng ký khai sinh.
(2) Ghi theo nơi đăng ký thường trú; nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
(3) Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký, ghi rõ số, cơ quan cấp, ngày cấp hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2014).
(4) Trường hợp sinh tại cơ sở y tế thì ghi rõ tên cơ sở y tế và địa chỉ trụ sở cơ sở y tế đó.
Ví dụ:
- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đường La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội
- Trạm y tế xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Trường hợp sinh ra ngoài cơ sở y tế thì ghi địa danh của 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh), nơi sinh ra.
Ví dụ: xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
(5) Ghi đầy đủ ngày, tháng sinh của cha, mẹ (nếu có).
(6) Đề nghị đánh dấu X vào ô nếu có yêu cầu cấp bản sao và ghi rõ số lượng.
Nội dung đăng ký khai sinh theo Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
- Nội dung đăng ký khai sinh gồm:
+ Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
+ Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
+ Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
- Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.
- Nội dung đăng ký khai sinh quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. .
Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Chính phủ quy định việc cấp số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh.
Trách nhiệm đăng ký khai sinh theo Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
- Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.
Xem thêm Quyết định 528/QĐ-BTP có hiệu lực từ ngày ký.