Các trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật với tài sản

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
11/04/2023 08:26 AM

Cho tôi hỏi các trường hợp nào thì được xem là trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật với tài sản? - Khánh Vân (Hà Nội)

Các trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật với tài sản

Các trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật với tài sản (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật với tài sản

Theo khoản 1 Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

- Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

- Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

- Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Các trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật với tài sản

Theo khoản 2 Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại mục 1 là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

3. Quy định về quyền chiếm hữu

Quy định về quyền chiếm hữu theo Điều 186, Điều 187 và Điều 188 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

* Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu:

Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

* Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản:

- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015:

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

* Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự:

- Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.

- Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý.

- Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015.

4. Quy định về suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu

Quy định về suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu theo Điều 184 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.

- Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền.

- Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,439

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]