Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật An ninh mạng 2018 thì tình huống nguy hiểm về an ninh mạng bao gồm:
- Xuất hiện thông tin kích động trên không gian mạng có nguy cơ xảy ra bạo loạn, phá rối an ninh, khủng bố;
- Tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
- Tấn công nhiều hệ thống thông tin trên quy mô lớn, cường độ cao;
- Tấn công mạng nhằm phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia;
- Tấn công mạng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia; gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Các tình huống nguy hiểm về an ninh mạng (Hình từ internet)
Trách nhiệm phòng ngừa tình huống nguy hiểm về an ninh mạng được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 21 Luật An ninh mạng 2018 như sau:
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia triển khai các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
- Doanh nghiệp viễn thông, Internet, công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Căn cứ Khoản 3 Điều 21 Luật An ninh mạng 2018 thì các biện pháp xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng bao gồm:
- Triển khai ngay phương án phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp về an ninh mạng, ngăn chặn, loại trừ hoặc giảm nhẹ thiệt hại do tình huống nguy hiểm về an ninh mạng gây ra;
- Thông báo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Thu thập thông tin liên quan; theo dõi, giám sát liên tục đối với tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
- Phân tích, đánh giá thông tin, dự báo khả năng, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do tình huống nguy hiểm về an ninh mạng gây ra;
- Ngừng cung cấp thông tin mạng tại khu vực cụ thể hoặc ngắt cổng kết nối mạng quốc tế;
- Bố trí lực lượng, phương tiện ngăn chặn, loại bỏ tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
- Biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia.
Căn cứ Khoản 4 Điều 21 Luật An ninh mạng 2018 thì việc xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng được quy định như sau:
- Khi phát hiện tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và áp dụng ngay các biện pháp sau đây:
+ Triển khai ngay phương án phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp về an ninh mạng, ngăn chặn, loại trừ hoặc giảm nhẹ thiệt hại do tình huống nguy hiểm về an ninh mạng gây ra;
+ Thông báo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng trong phạm vi cả nước hoặc từng địa phương hoặc đối với một mục tiêu cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quân sự và hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ;
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng các biện pháp xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng nêu trên để xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.