Cụ thể, để được Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, doanh nghiệp cần đạt những điều kiện sau: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; sản xuất rượu công nghiệp phải phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát đã được phê duyệt; có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất (Toàn bộ máy móc, thiết bị để sản xuất rượu phải có nguồn gốc hợp pháp); đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định; đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định; đáp ứng điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hàng hóa rượu tại Việt Nam; có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu; người tham gia trực tiếp sản xuất rượu phải đảm bảo các yêu cầu về sức khoẻ theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm.
Theo dự thảo, Bộ Công Thương là cơ quan cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 3 triệu lít/năm trở lên; Sở Công Thương là cơ quan cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 3 triệu lít/năm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo nêu rõ, thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp như sau: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở sản xuất xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
Thời hạn của Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp là 15 năm.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp
Theo dự thảo, doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp được bán rượu do doanh nghiệp sản xuất ra (trực tiếp hoặc thông qua công ty thành viên, chi nhánh trực thuộc) cho các thương nhân có Giấy phép phân phối rượu, Giấy phép bán buôn rượu, Giấy phép bán lẻ rượu, Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ và thương nhân thu mua rượu để xuất khẩu; được trực tiếp tổ chức bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ tại hệ thống cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp theo đúng quy định mà không phải đề nghị cấp Giấy phép phân phối, Giấy phép bán buôn, Giấy phép bán lẻ rượu và Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ; được nhập khẩu cồn thực phẩm, rượu bán thành phẩm và phụ liệu để pha chế thành rượu thành phẩm hoặc nhận ủy thác nhập khẩu từ doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp khác.
Doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp phải đào tạo nhân viên về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định; tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình sản xuất kinh doanh theo quy định; tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người lao động; nộp phí cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính; cung cấp thông tin về rượu theo quy định; không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi; các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Tuệ Văn
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ