Khi "cơm không lành, canh chẳng ngọt”Kinh doanh bất động sản bấy lâu nay được biết đến như một ngành nghề đem lại lợi nhuận nhanh nhất, "phất” nhất... Rất nhiều người có tiền đã không ngại vung vài tỉ để mua "suất” nhằm lướt sóng kiếm lãi khủng. Cả nhà đầu tư và chủ dự án cũng thỏa thuận ăn chia. Tuy nhiên khi thị trường BĐS đóng băng, hàng không bán được, đến giai đoạn nộp tiền, giao nhà cận kề đã nảy sinh các tranh chấp. Tranh chấp giữa môi giới và chủ dự án, rồi tranh chấp giữa khách hàng và chủ dự án. Chưa bao giờ, các văn phòng luật sư tư vấn đất đai lại bận rộn như lúc này.
Anh Nguyễn Anh Tiến (Nam Thành Công – Hà Nội) cho biết, từ tháng 5-2011 gia đình anh dốc tiền mua 1 căn hộ chung cư trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Thế nhưng sau khi đóng được 70% giá trị căn hộ, hơn 1,2 tỷ đồng, đến nay qua 8 tháng ròng rã, dự án này vẫn dậm chân tại chỗ, mới lên đến tầng 8 trên tổng số 15 tầng. Đúng lý ra, doanh nghiệp phải đầu tư đúng số tiền mà khách hàng đã đóng vào công trình ở mức tương đương là 70% dự án. Hiện anh Dũng khá lo lắng bởi với tiến độ thi công rùa như thế này không biết bao giờ mới được nhận nhà. Không chỉ có các khách hàng lâm vào tình cảnh trên mà chính ngay những đơn vị đầu tư thứ cấp cũng đang nghịch cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội” khi chủ dự án phá vỡ cam kết, tự hạ giá sản phẩm.
Khi "cơm không lành, canh không ngọt” tranh chấp xảy ra, nhiều dự án trên giấy mức độ càng khó hòa giải hơn. Điển hình, vụ tranh chấp kéo dài mà vẫn chưa có hồi kết xảy ra tại dự án chung cư đô thị mới Vân Canh do Công ty cổ phần BĐS AZ làm chủ đầu tư. Theo đó, đã có rất nhiều khách hàng đã góp vốn mua dự án này từ 2 năm trước nhưng hiện dự án vẫn án binh bất động khiến nhiều khách hàng bức xúc, họ tìm đủ mọi cách để đòi số tiền đã góp nhưng không thành công.
Theo luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Hồng Hải, từ khoảng cuối năm 2011 đến nay, số lượng kiện tụng giữa các chủ đầu tư và khách hàng tăng mạnh. Phần lớn khách hàng đến các công ty luật là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư thứ cấp mà nguyên nhân chủ yếu là do giá BĐS giảm sút, vì vậy nhiều khách hàng cũng muốn tranh thủ, tận dụng những khiếm khuyết trong hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư để đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Rõ ràng BĐS bây giờ đang rơi vào vòng bĩ cực. BĐS không chỉ đối diện với đói vốn, thanh khoản thấp mà còn xảy ra những vấn đề vô cùng phức tạp liên quan đến thủ tục, giấy tờ.
Phải tìm hướng thoátVậy vòng xoáy này sẽ đưa thị trường BĐS về đâu? Câu hỏi: đối diện với khó khăn chồng khó khăn, thị trường này cần tìm ra hướng thoát nào vẫn được giới chuyên gia lẫn nhà đầu tư quan tâm.
Theo ông Đặng Hùng Võ, phía sau những cơn lốc giảm giá, tranh chấp bắt buộc thị trường BĐS phải hướng tới chuyên nghiệp và "sạch” hơn. Thị trường phải thay đổi để trở thành một thực thể lành mạnh hơn, khỏe khoắn hơn vì quyền lợi của đại đa số những người dân chưa có nhà ở. Các chủ dự án cũng thay đổi tư duy để không còn tình trạng "sống chết mặc khách hàng” hay là "đem khách hàng bỏ chợ”. Điều cần quan tâm nhất là phải tạo được niềm tin cho khách hàng. Bản thân nhà đầu tư cũng phải biết rằng sinh lời từ BĐS không còn dễ như trở lòng bàn tay nữa.
Ông Võ cũng cho biết, trước mắt thì thị trường BĐS vẫn tiếp tục khó khăn. Sự phục hồi sớm nhất của thị trường, cũng chỉ hi vọng nhiều ở phân khúc nhà ở giá rẻ, khu vực căn hộ chung cư sẽ còn đợi thêm một thời gian nữa.
Ở khía cạnh là nhà đầu tư, đại diện Trung tâm giao dịch nhà đất Hưng Phát cho rằng, do ngân hàng và lãi suất ngân hàng có tác động tới cả cung và cầu, quyết định xu hướng phát triển của thị trường BĐS nên hiện tại thị trường này sẽ vẫn trầy trật vất vả.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, những quy định có liên quan tới BĐS hiện không thống nhất với nhau. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho BĐS thời gian vừa qua phát sinh mâu thuẫn. Thời gian tới, cần khắc phục triệt để tình trạng này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết