Cần thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội
Về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, qua thảo luận, tổng hợp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy, quy định cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong Dự thảo Luật Nhà ở đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 năm 2008 của Quốc hội.
Đánh giá tác động, các đại biểu cho rằng, quy định này không chỉ nhằm thu hút vốn ngoại vào Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặt khác, với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở là chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại; chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ…, sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước, đặc biệt là không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở, cũng như vẫn đảm bảo được vấn đề quốc phòng, an ninh. Do đó, không nên quy định thêm về điệu kiện cư trú.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu và bổ sung quy định chặt chẽ về phương thức thanh toán để phòng, chống việc rửa tiền. Cụ thể, việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự đồng tình việc cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam để ở, để làm việc, học tập…, nhưng vẫn tỏ ra băn khoăn với quy định cứ “qua cửa khẩu vào Việt Nam là mua được nhà”, nên đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét xem việc này có tác hại gì không?
Chia sẻ băn khoăn trên, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng cho rằng, cần xem xét lại quy định cá nhân được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được sở hữu nhà, vì “như thế thì quá rộng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam sẽ gây cản trở thủ tục với người nước ngoài. Ông Quyền đề nghị, chỉ nên quy định cách thanh toán tương tự như đối với người Việt mua nhà.
Liên quan đến chính sách nhà ở xã hội (NOXH), ông Lý cho rằng, ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng NOXH, cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng NOXH để cho thuê, như được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn so với xây dựng NOXH để bán, cho thuê mua.
Bên cạnh đó, ông Lý đề nghị nâng thời hạn tối thiểu để chủ đầu tư được bán NOXH đang cho thuê từ 5 năm lên 10 năm và quy định lại về điều kiện thu nhập để có thể được hưởng chính sách NOXH theo đúng tiêu chí. Theo đó, NOXH nhằm đáp ứng yêu cầu về nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân thực sự có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng về tài chính để cải thiện nhà ở theo cơ chế thị trường.
Về vấn đề Quỹ phát triển NOXH, tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ như nêu trong Dự thảo Luật Nhà ở để tạo thêm kênh huy động vốn cho việc thực hiện chính sách NOXH, tuy nhiên, ông Lý đề nghị, cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để quy định rõ hơn trong Dự thảo Luật về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của Quỹ, giúp các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện thống nhất.
Bỏ quy định thời hạn sử dụng chung cư
Về thời hạn sử dụng nhà chung cư, theo báo cáo của Chính phủ, nhà chung cư có đặc thù riêng, liên quan đến sự an toàn của nhiều người, có tác động lớn đến kiến trúc, cảnh quan đô thị, vì vậy, cần thiết phải có quy định về thời hạn sử dụng để bảo đảm an toàn cho người dân và làm cơ sở pháp lý để các địa phương và các chủ sở hữu thực hiện phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại khi các chung cư này bị xuống cấp, có nguy cơ sập đổ.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi nhà chung cư có niên hạn sử dụng khác nhau, căn cứ vào cấp công trình của nhà chung cư đó (ví dụ: nhà chung cư cấp 3 có niên hạn sử dụng từ 20 - 30 năm, nhà chung cư cấp 2 có niên hạn sử dụng từ 50 - 100 năm…).
Mặt khác, không phải mọi trường hợp nhà chung cư khi hết niên hạn sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nêu trên là sẽ hết thời hạn được phép sử dụng, mà sau niên hạn này, cơ quan chức năng sẽ phải tổ chức kiểm định, đánh giá lại chất lượng nhà chung cư đó để quyết định thời hạn được sử dụng tiếp.
Vì vậy, ông Lý cho rằng, không cần thiết phải quy định cụ thể thời hạn sử dụng nhà chung cư, mà chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này để bảo đảm tính khả thi.
Về sở hữu chung trong nhà chung cư, ông Lý đề nghị tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội là cần kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành và khẳng định rõ là nơi để xe trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung để thực hiện thống nhất, hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong thời gian tới.
Về thời điểm chuyển quyền sở hữu, ông Lý cho rằng, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở kể từ khi việc giao dịch nhà ở được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bày tỏ quan điểm tán thành với Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quy định trường hợp mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở; trường hợp tặng cho, đổi nhà ở giữa cá nhân với cá nhân là kể từ thời điểm bên tặng cho, bên đổi bàn giao nhà ở cho bên nhận tặng cho, nhận đổi; trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua nhà kể từ thời điểm người mua nhận bàn giao nhà ở.
Thiên Long
Theo Đầu tư Bất động sản