Một xe có dán logo “Lái xe an toàn” phía trước, phía sau dán thêm logo “H.Hoa hồng” (ảnh nhỏ) chạy trên đường Mai Chí Thọ, Q.2, TP.HCM bị Đội 1 thanh tra Sở Giao thông vận tải và cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt do chở quá tải - Ảnh: Hữu Khoa
Ở TP.HCM có hàng trăm loại logo được coi là dấu hiệu của xe “vua”. Trong đó logo “Hoa hồng” là loại rất phổ biến. Qua thâm nhập thực tế, PV Tuổi Trẻ nhận thấy việc mua bán loại logo này là có thực, cả người bán lẫn người mua đều coi đây là một thứ “bùa hộ mệnh” trên đường.
Logo Hoa hồng là một “lệnh bài” gắn trước đầu xe. Nhiều tài xế cho rằng có logo này thì tha hồ chở hàng quá tải.
Chỗ nào cũng có “Hoa hồng”
Chỉ nhìn bề ngoài, logo Hoa hồng không có gì đặc biệt. Đó chỉ là một mẩu giấy ép nhựa dẻo ngang 20cm, dài 20cm, xung quanh in viền xanh, ở giữa nền trắng. Trên mẩu giấy này, ngoài việc in biểu tượng bông hoa hồng bốn cánh còn in đậm ba chữ “H.Hoa hồng”. Theo một số tài xế, đây là biểu tượng có giá trị như một “lệnh bài” bất khả xâm phạm.
Nhiều ngày đi thực tế tại các tuyến đường nội thành, một số tuyến đường cửa ngõ TP.HCM, chúng tôi liên tục gặp các xe tải gắn logo Hoa hồng. Trong một ngày cuối tháng 3, sau 20 phút đứng quan sát ở đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp), chúng tôi ghi nhận trên 10 xe tải nhẹ có gắn logo Hoa hồng. Tại cầu vượt An Sương (Q.12) cũng có hàng loạt xe tải gắn logo Hoa hồng.
Sáng 20-3, chúng tôi liên hệ với anh Việt (Q.12) - tài xế một xe tải có logo Hoa hồng - để thuê chở ván ép từ Trảng Bàng (Tây Ninh) về đường Hà Huy Giáp (Q.12). Qua điện thoại, tài xế này nói thẳng: “Xe em trọng tải chỉ 1,5 tấn nhưng chở 4 tấn không có vấn đề gì”.
Tài xế Việt ra giá cước vận chuyển 1,2 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi có đảm bảo không, tài xế Việt chắc nịch: “Hàng có giấy tờ hợp lệ thì OK, mấy tấn hàng cứ ghi rõ ràng trong giấy, khỏi cần giấu giếm gì hết. Còn đi đường thế nào thì không sợ, em có lệnh bài”.
Tương tự, ông Tuấn - chủ xe tải gắn “lệnh bài” Hoa hồng chạy trên quốc lộ 22 - khẳng định không có vấn đề gì khi chở hàng quá tải, mọi cái đều được bảo đảm.
Chúng tôi hỏi logo Hoa hồng gắn trước đầu xe của ông chạy được ở những tuyến đường nào, ông Tuấn nói: “Chạy được ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Quốc lộ 1 bình thường chạy được đến ngã ba Dầu Giây, quốc lộ 51 chạy ra tới ngã ba Phú Mỹ...”.
Uy tín nhất?
Thông qua một đầu mối, chúng tôi tiếp cận được ông Thuận (32 tuổi, ngụ Q.2) - người quản lý, đồng thời chịu trách nhiệm phân phối logo Hoa hồng. Trước ngày gặp mặt, ông Thuận nói thẳng qua điện thoại: “Tôi nói cho anh nghe thương hiệu tụi tôi tạo ra rất khó, phải có thế lực, tiền bạc chưa chắc làm được”.
Ông Thuận còn khoe khoang: “Nếu cơ quan chức năng lập biên bản vì chở quá tải thì gọi cho tôi, tôi giải quyết xong ngay”. Chúng tôi tỏ ý ngờ vực, ông Thuận đốp chát: “Bây giờ anh cứ nghiên cứu thị trường, gặp xe tải chạy logo bông hồng cứ hỏi họ, họ nói cho nghe. Nếu không uy tín thì làm sao có chuyện mua logo Hoa hồng cho 2.000 đầu xe?”.
Sau cuộc nói chuyện điện thoại ít ngày, ông Thuận gặp chúng tôi tại một quán cà phê ở Q.Gò Vấp. Tại đây, ông Thuận đưa một logo hình bông hồng và một tờ giấy ghi “lộ trình hoạt động”.
Theo ông Thuận, xe quá tải, quá khổ gắn logo Hoa hồng được phép lưu thông trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Còn tại Đồng Nai và Bình Dương, ông Thuận giải thích: “Ở Đồng Nai, lúc trước ra đến Long Khánh, nhưng bây giờ cắt từ ngã ba Trị An trở vào. Còn ở Bình Dương chạy từ quốc lộ 13 đến ngã tư Hòa Lân”.
Ông Thuận còn chỉ ra một số bàn cân xe quá tải nên tránh gồm bàn cân trên đường Nguyễn Văn Linh, cầu vượt Bình Phước 1, quốc lộ 1K (ngay dốc cứu hỏa) và bàn cân qua huyện Trảng Bom (Đồng Nai). “Mình không qua mấy trạm cân đó được” - ông Thuận dặn dò.
Theo ông Thuận, bây giờ ra ngoài đường xe có logo Hoa hồng dán đầy. “Không có phù hiệu chạy bị bắt hoài, phạt nặng lắm. Mấy xe tải nhẹ chạy hàng thuê đều mua logo của tôi. Khu vực An Lạc, Trần Đại Nghĩa... đều đi logo của tôi hết. Có tụi tôi hỗ trợ sau lưng thì chạy thoải mái, quá tải quá khổ đều được hóa giải hết” - ông Thuận trấn an.
Ông Thuận cho biết logo Hoa hồng xuất hiện khoảng tháng 7-2014. Lúc đầu logo có tên “H.Hồng”, nhưng sang đầu năm 2015 bị giả mạo nhiều quá nên ông Thuận chuyển sang “sản xuất” hàng loạt logo mới có tên “H.Hoa hồng”.
Ngoài logo Hoa hồng đang “nổi đình nổi đám”, thị trường mua bán logo còn xuất hiện nhiều loại khác với đủ hình thù, ngôn ngữ, ký tự rất “lạ” như “Th.Đô”, “P.Thịnh”, “T.Kỳ”, “L.Vinh”, “H.Loan” hoặc hình bông mai, hình tam giác...
Những loại logo này thường xuyên thay đổi ký tự, hình dạng để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Một số tài xế nói so với logo Hoa hồng thì các loại logo khác ít uy tín hơn nhiều, chỉ “bao” được ở tuyến đường nhỏ hay khu vực nhất định.
Một xe tải có dán logo Hoa hồng - Ảnh: H.Lộc
“Dán phù hiệu vào là chạy phà phà”
Lấy lý do mức độ “bao quát” rộng nên giá cả của logo Hoa hồng cũng cao hơn những logo khác, ông Thuận ra giá: “Đi phù hiệu bên tôi thì xe tải 1- 3 tấn giá 3 triệu đồng/tháng, trên 3-5 tấn giá 3,5 triệu đồng/tháng, còn container là 4,5 triệu đồng/tháng. Tôi sẽ đích thân xuống bãi xe dán logo, cứ dán xong là tôi lấy tiền trước một tháng, tháng tiếp theo thu ngay đầu tháng”.
Ông Thuận còn khoe: “Hiện có nguyên dàn xe container 20 chiếc đi phù hiệu của tôi, nó không gắn một cái mà dán ba cái phù hiệu cho oách luôn”.
Để chứng minh quyền lực của “lệnh bài” Hoa hồng, ông Thuận giới thiệu chúng tôi cho một doanh nghiệp ở Q.Bình Tân theo xe quá tải “khảo sát thực tế”.
Ngày 18-3, chúng tôi đi cùng tài xế Hoàng. Xe của ông Hoàng là loại xe có trọng tải 1,5 tấn, thùng xe phủ bạt đen kín mít, trước đầu xe có gắn logo Hoa hồng. Tài xế Hoàng nói: “Logo này là dữ nhất rồi, không có thằng nào qua mặt thằng này”.
Theo ông Hoàng, logo được “mua” giá 3 triệu đồng/tháng. “Cái này chỉ sợ không có hàng mà chạy, chứ không ai kiểm tra cả. Bình thường không gắn logo mà chở quá tải là bị “đập” liền” - ông Hoàng nói.
Khoảng 16g, việc bốc 4 tấn hàng hoàn thành, ông Hoàng nổ máy cho xe “bò” về TP.HCM.
Đi trên các tuyến đường từ huyện Gò Dầu qua huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), ông Hoàng tỏ ra khá dè dặt vì logo không “bao” qua hai huyện này. Khi đến địa phận ấp An Bình (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) thấy phía trước có trạm cân trọng tải, ông Hoàng đánh tay lái chạy “né” vào tỉnh lộ 7, qua đường Cây Trôm (xã Phước Hiệp, Củ Chi).
Khi xe chạy về ngã tư An Sương, qua vòng xoay An Lạc, rẽ vào đại lộ Võ Văn Kiệt thì không có lực lượng nào kiểm tra. Kết thúc chuyến đi, chủ chiếc xe mà ông Hoàng lái nói đắc ý: “Phù hiệu này mạnh lắm, chạy thoải mái. Dán phù hiệu vào là chạy phà phà”.
Tốn tiền tỉ để mua logo Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý 1-2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới tổ chức ngày 24-4, ông Thái Văn Chung - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - nhận định tình trạng xe chở quá tải ở TP.HCM có giảm hơn trước. Tuy nhiên, từ các thông tin doanh nghiệp và chi hội thành viên phản ảnh, ông Chung nêu hiện tượng: “Cách đây hai ngày tôi khảo sát một bãi xe, rất ngạc nhiên thấy nhiều xe của các doanh nghiệp này lại mang thương hiệu một doanh nghiệp khác. Khi hỏi ra mới biết không mang thương hiệu doanh nghiệp khác thì không chạy được, dù doanh nghiệp có uy tín và có tiềm lực”. Ông Chung cho biết việc mua bán thương hiệu, logo mang lại số tiền lớn cho một doanh nghiệp được cho là có bảo kê. Để mua một logo mất 3-5 triệu đồng, thậm chí 6 triệu đồng/tháng. Nếu nhân với số lượng xe lớn thì hằng tháng phải bỏ ra hàng tỉ đồng. Phát biểu tổng kết hội nghị, thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - nói: “Các ý kiến phát biểu có các đoàn xe dán logo chở quá tải trọng chạy ầm ầm theo từng tuyến mà không ai kiểm tra ngăn chặn thì câu hỏi đặt ra là các xe này có phải là xe “vua”, có vùng cấm trong việc này không? Đề nghị phải trao đổi thẳng thắn để chúng ta xử lý”. Với yêu cầu đến cuối năm 2015 chấm dứt xe chở quá tải, ông Vương đề nghị cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải lắng nghe các ý kiến nêu trong hội nghị, nếu đúng phải kiểm tra, xử lý. “Phải theo dõi và nắm thông tin để khẩn trương giải quyết. Nếu có tình trạng xe mang logo hoạt động bất chấp luật lệ thì trách nhiệm của ai, phải kiểm tra, giải quyết ngay. Còn chuyện đưa, nhận hối lộ, “cò” môi giới dẫn dắt tránh các trạm cân nghe cũng nhức nhối. Đề nghị phải siết lại, dứt khoát không có chuyện bảo kê, không có chuyện làm lơ trong vấn đề an toàn giao thông” - Thứ trưởng Vương nhấn mạnh. TUẤN PHÙNG |
Trò lừa đảo Đó là khẳng định của đại tá Trần Thanh Trà - trưởng Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM - tại cuộc họp báo sáng 23-4 về việc xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải, quá khổ trên địa bàn TP.HCM. Đại tá Trà cho biết theo ghi nhận của PC67, hiện có trên 100 loại logo được các nhà xe, chủ yếu là nhà xe “mồ côi” (nhà xe chỉ có 1-3 chiếc), dán trên xe của họ. Nổi cộm có logo “Hoa hồng”, “36”, “An toàn giao thông”... Đại tá Trà nêu rõ: “Đây là trò lừa đảo của những đối tượng chuyên mạo danh là người nhà hoặc có quen biết với lãnh đạo TP, lãnh đạo CSGT, Thanh tra giao thông... để rao bán logo cho các nhà xe. Việc làm này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng chức năng. Thời gian tới, nếu chúng tôi phát hiện đối tượng nào tự xưng là người nhà, quen biết với các lãnh đạo TP, PC67 để rao bán các logo, ký hiệu... thì sẽ báo cáo ban giám đốc Công an TP đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, lập chuyên án để bắt giữ các đối tượng này”. Đại tá Trà còn nói: “CSGT TP sẽ xử lý bất cứ phương tiện nào vi phạm Luật giao thông. Việc xử phạt này sẽ không có vùng cấm, bất kể là ai”. Trong khi đó ông Lê Hồng Việt - phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết rất nhiều xe có dán logo chở quá tải bị phạt. Đưa cho chúng tôi xem hàng trăm tấm hình chụp các xe tải có dán logo bị lập biên bản, ông Lê Hồng Việt khẳng định thanh tra Sở Giao thông vận tải đang tập trung xử lý các xe có dán logo mà dư luận cho rằng đây là loại xe “vua” mua đường. Về thông tin các nhà xe mua logo dán trên xe với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/tháng, ông Việt cho rằng các nhà xe không nên tin vào “lá bùa” logo, vì xe nào vi phạm đều bị xử phạt dù có logo hay không. ĐỨC THANH - N.ẨN |
HOÀNG LỘC