Khách hàng giao dịch tại Vietcombank, TP.HCM - Ảnh tư liệu
Thông tin về việc tìm đối tác sáp nhập không được ban điều hành cũng như hội đồng quản trị của Vietcombank nêu khiến nhiều cổ đông tỏ ra sốt ruột.
Tìm hiểu để lựa chọn đối tác
Nhiều câu hỏi đã đặt ra về việc kế hoạch Vietcombank sẽ mua lại ngân hàng nào, phương án cụ thể về việc này ra sao.
Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch hội đồng quản trị Vietcombank, cho biết kế hoạch mua ngân hàng khác được ban lãnh đạo nêu ra tại đại hội cổ đông bất thường vào cuối năm ngoái.
Thời điểm đó, hội đồng quản trị Vietcombank đã xin ý kiến của cổ đông cho phép ban lãnh đạo Vietcombank tìm kiếm một ngân hàng khác để mua bán sáp nhập.
Tuy nhiên theo ông Thành, đến thời điểm này Vietcombank vẫn đang tìm hiểu để lựa chọn đối tác. Mục tiêu lựa chọn đối tác là đảm bảo phù hợp với định hướng Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng lớn nhất, đứng số 1 ở VN.
Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của Vietcombank đạt 568.000 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2013. Dư nợ tín dụng đạt 326.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 5.876 tỉ đồng, tăng 2,3% so với năm 2013.
Về việc tìm đối tác, ông Phạm Quang Dũng - tổng giám đốc Vietcombank - bày tỏ ngân hàng này đang triển khai các nội dung để cải thiện chất lượng hoạt động, mô hình quản trị… Còn về quy mô, không thể tự thân được mà phải có đối tác. Do đó việc mua bán sáp nhập với ngân hàng khác sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình trở thành vị trí số 1 của Vietcombank.
“Khi tìm được đối tác rồi ban lãnh đạo sẽ báo cáo và xin ý kiến chính thức các cổ đông về giá cổ phiếu, tỉ lệ chuyển nhượng, tình hình ngân hàng hợp nhất sáp nhập” - ông Thành cam kết.
Cũng theo ông Thành, thời gian tới Vietcombank sẽ thoái vốn dần của các tổ chức tín dụng khác và hướng đến tham gia cổ phần của tối đa hai tổ chức tín dụng và tỉ lệ không quá 5%.
Vì sao trích quỹ dự phòng quá cao?
Một thông tin được các cổ đông đặc biệt chú ý và đề nghị ban lãnh đạo ngân hàng này giải thích về tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro trong năm nay quá cao, tăng 22% so với năm ngoái.
Theo trình bày của ông Thành, chi phí trích lập dự phòng năm nay là 5.500 tỉ đồng, tăng gần 1.000 tỉ đồng so với năm 2014. “Mức trích lập dự phòng năm nay tăng kỷ lục là có cơ sở. Bởi tới đây, các ngân hàng phải thực hiện quy định trích lập dự phòng rủi ro theo chuẩn quốc tế, được quy định bởi thông tư 02 và thông tư 09” - ông Thành giải thích.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tổng số nợ xấu sẽ bán cho Công ty Quản lý nợ (VAMC) trong năm 2015, theo ông Thành, dự kiến là 1.000 tỉ đồng. Đây là con số thấp nhất trong bốn “ông lớn” là các ngân hàng TMCP nhà nước. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến thị trường, số nợ xấu có thể sẽ được Vietcombank bán cao hơn dự kiến.
Các cổ đông cũng biểu quyết thông qua tỉ lệ chia cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt 10% với tổng số tiền 2.665 tỉ đồng. Còn năm 2015, các cổ đông thông qua lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 5.900 tỉ đồng.
Một điểm đáng chú ý về hoạt động của ngân hàng này trong năm nay, theo ông Thành, Vietcombank sẽ mở rộng thêm sáu chi nhánh, trong đó có năm chi nhánh tại TP.HCM.
Các chi nhánh sẽ tập trung ở các khu đông dân cư. Ban lãnh đạo hi vọng các chi nhánh hoạt động hiệu quả vì qua việc mở 10 chi nhánh trong năm 2014, có những chi nhánh có lợi nhuận 10 tỉ đồng, thậm chí có nơi lãi tới 90 tỉ đồng.
LÊ THANH