Không thay đổi quy định về phí trước bạ

08/05/2015 14:02 PM

Hiện Việt Nam đang thu lệ phí trước bạ tính theo tỷ lệ phần trăm (%) nhưng có quy định mức trần thu (500 triệu đồng/lần/tài sản). Theo Bộ Tài chính, do lệ phí trước bạ không phải là thuế tài sản như các nước, nên dự thảo Luật Phí và lệ phí kế thừa quy định hiện hành.

Phí trước bạ tính theo tỷ lệ % nhưng mức trần thu không quá 500 triệu đồng/lần/tài sản.

Theo quy định hiện hành, mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí. Riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lệ phí là khoản tiền phải trả khi được cung cấp dịch vụ hành chính công. Tại một số nước châu Âu (CHLB Đức, Thụy Sỹ,...) tùy thuộc vào tính chất của dịch vụ hành chính công, lệ phí phân thành 3 nhóm: Lệ phí không bù đắp hết chi phí, lệ phí bù đắp đủ chi phí, lệ phí cao hơn chi phí. Như vậy, mức thu lệ phí tuy có khác nhau và không phải lúc nào cũng đặt vấn đề bù đắp chi phí.

Trên thực tế, chính sách thu đối với hoạt động mua, chuyển nhượng phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) trên thế giới là khá đa dạng và có nhiều tên gọi khác nhau. Có nước gọi là phí (lệ phí), có nước gọi là thuế.

Nhiều nước thu lệ phí đăng ký (tương tự lệ phí trước bạ ở nước ta) khi thực hiện đăng ký phương tiện (bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký lại) với mục đích là để bù đắp cho các chi phí liên quan trong quá trình thực hiện đăng ký.

Tuy nhiên, cách tính và mức thu những loại phí (lệ phí) này ở các nước rất khác nhau. Một số nước còn áp dụng các khoản thu tại thời điểm đăng ký lần đầu (hoặc chuyển nhượng lần sau) như là một khoản thuế. Cách thu các loại thuế này ở các nước thu cơ bản như lệ phí trước bạ ở nước ta (đều do người mua trả), song chỉ khác các nước gọi là thuế.

Theo Bộ Tài chính, lệ phí gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước (dịch vụ hành chính công), do cơ quan nhà nước thực hiện nên quy định mức thu lệ phí không nhằm mục đích bù đắp chi phí là phù hợp. Do đó, dự thảo Luật kế thừa quy định hiện hành.

Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Nhà nước thu lệ phí trước bạ nhằm thực hiện xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân. Do vậy, việc thu lệ phí chính là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân về sở hữu, sử dụng tài sản.

Ủy ban này nhất trí quy định khoản thu lệ phí trước bạ trong Danh mục lệ phí như quy định của Dự thảo Luật. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản và giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định với tỷ lệ thu khác nhau, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu trên toàn quốc. Do đó, theo Ủy ban Tài chính- Ngân sách, cần quy định tỷ lệ thống nhất về một mức đối với mỗi loại tài sản, đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.

Theo Bộ Tài chính, nhìn chung nhiều quốc gia đều không phân biệt về mức thu giữa đăng ký lần đầu và đăng ký khi chuyển nhượng các lần tiếp theo. Tuy nhiên, cũng có quốc gia có phân biệt giữa mức thu đăng ký lần đầu và mức thu từ lần chuyển nhượng thứ hai trở đi (ví dụ như một số bang của Úc). Mức lệ phí trước bạ đối với lần chuyển nhượng thứ hai thường thấp hơn so với lần đầu.

 Minh Anh

Theo Báo Hải Quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,615

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]