Trong thời gian góp ý cho dự thảo Luật
Doanh nghiệp 2014 (hiệu lực từ 1/7/2015), không ít ý kiến từ doanh nghiệp
và chuyên gia đều cho rằng nên bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải áp mã ngành nghề
kinh doanh.
“Áp mã” là việc doanh nghiệp căn cứ Quyết định 10/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 337/2007 của Bộ KHĐT về hệ thống ngành kinh tế để “số hóa” ngành nghề kinh doanh của mình thành một cụm con số. Chẳng hạn, ngành trồng lúa có mã ngành 0111.
Nhiều ý kiến cho rằng vướng mắc trong việc ghi và mã hóa ngành nghề theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được xem là một trong những bất cập lớn nhất trong thủ tục gia nhập thị trường của Luật Doanh nghiệp 2005, đặc biệt là khi có khác biệt trong cách hiểu và áp dụng giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, giữa doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong chọn mã ngành.
Mặt khác, theo các luật sư, Quyết định 337/2007 đã không liệt kê được hết và đầy đủ những ngành nghề kinh doanh đang hiện có ở Việt Nam. Điều này khiến trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không biết xác định ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mã nào… Chính các cơ quan nhà nước cũng lúng túng trong việc áp mã ngành nghề khiến “các doanh nghiệp cũng vất vả, hai bên cùng khổ”, như nhận định của một đại biểu Quốc hội.
Một luật sư thừa nhận, “khi gặp những trường hợp ngành nghề không được liệt kê trong Quyết định 337, chúng tôi cũng khá vất vả khi làm thế nào có thể đáp ứng được nhu cầu ngành nghề của doanh nghiệp và cũng vừa phải áp đúng mã ngành nghề theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.
Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp về đăng ký doanh nghiệp, Bộ KHĐT đưa ra hai phương án về ghi ngành nghề khi đăng ký.
Phương án một là giữ nguyên như quy định hiện hành (theo Nghị định 43 năm 2010 về đăng ký doanh nghiệp), tức là người thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và ghi ngành, nghề kinh doanh, mã số ngành, nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Còn theo phương án hai, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ ghi các ngành, nghề kinh doanh dự kiến theo cách hiểu của mình. Còn cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ làm công đoạn mã hóa ngành nghề này thành con số mã ngành.
Như vậy, sự khác biệt giữa hai phương án nằm ở chỗ doanh nghiệp hay cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện việc mã hóa.
Tranh cãi
Góp ý dự thảo Nghị định, nghiêng về phía phương án thứ hai, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng phương án này tuân thủ đúng yêu cầu của Luật Doanh nghiệp 2014.
Còn phương án thứ nhất được đánh giá là chưa hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đi ngược lại tinh thần cũng như không thể hiện được tính cải cách, đột phá của Luật Doanh nghiệp năm 2014, quay trở lại quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Cụ thể, Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định Giấy đăng ký phải có nội dung “ngành, nghề kinh doanh”. VCCI cho rằng, để đáp ứng quy định tại Điều 24 thì doanh nghiệp chỉ phải ghi ngành, nghề kinh doanh mà mình dự kiến thực hiện mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào về việc phải mã hóa ngành nghề kinh doanh.
Về phía cơ quan quản lý, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết việc áp mã ngành có ý nghĩa quan trọng về mặt thống kê, là một cơ sở hết sức cần thiết để hoạch định chính sách vĩ mô.
Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn cũng khẳng định việc để doanh nghiệp tự áp mã ngành không ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của người dân. Dự thảo mới nhất của Nghị định đã theo phương án thứ hai, tức là vẫn để doanh nghiệp tự áp mã ngành.
Lý do là qua lấy ý kiến, nhiều doanh nghiệp đều ủng hộ phương án này. Bởi vì việc doanh nghiệp khai ngành nghề còn cơ quan quản lý áp mã có thể không thật chính xác, khiến hai thứ này không khớp nhau.
Hơn nữa, ngay cả khi không thể áp được mã ngành, thì việc đăng ký doanh nghiệp vẫn được tiến hành bình thường. Theo Nghị định số 05/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2010/NĐ-CP thì với những ngành, nghề kinh doanh chưa có mã thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi ngành, nghề kinh doanh này vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đồng thời thông báo cho Bộ KHĐT để bổ sung mã mới.
Ông Tuấn cho biết thực tế triển khai từ năm 2010 đến nay cũng cho thấy, chưa có bất kỳ trường hợp này mà cơ quan đăng ký kinh doanh ”bó tay” trong việc áp mã ngành nghề. Chỉ có một số trường hợp, chẳng hạn, ngành kinh doanh vật liệu xây dựng có mã rất rõ ràng, nhưng doanh nghiệp lại ghi là kinh doanh cát sỏi và loay hoay đi tìm mã, tức là mấu chốt của vướng mắc mã ngành nằm ở chỗ doanh nghiệp không xác định được nội dung kinh doanh, tên ngành nghề.
Bởi theo ông Tuấn, hệ thống ngành của ta được dịch từ hệ thống ngành của thế giới, cũng tên và mã tương ứng, nên hiếm có ngành nghề nào có mặt tại Việt Nam mà thế giới lại không có. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp cũng như việc quản lý, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai ngành, áp mã.
Hà Chính