Trong Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp
góp ý Dự thảo Nghị định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp
luật về điều kiện đầu tư kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
(CIEM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 13/5, lo ngại về
việc các bộ, ngành "cài cắm" lợi ích qua các văn bản hướng dẫn dưới
luật nổi lên sau ngày 1/7 tới.
Lý do là, sau thời điểm này, các điều kiện kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu của Luật Đầu tư sẽ đương nhiên hết hiệu lực. Ông Trần Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội quảng cáo Việt Nam thậm chí còn đề nghị, rà soát lại các thông tư sắp ban hành để “ách lại” các văn bản có dấu hiệu cài cắm. “Chúng tôi biết có những thông tư quy định về có điều kiện kinh doanh. Cần phải có cơ chế giám sát các văn bản này”, ông Hùng thẳng thắn.
Lo ngại của ông Hùng là dễ hiểu, vì theo rà soát của CIEM, có tới 1697 điều kiện kinh doanh trong tổng số 5.850 điều kiện kinh doanh được ban hành bởi các thông tư. Theo Luật Đầu tư, đến ngày 1/7/2015, các điều kiện này sẽ đương nhiên hết hiệu lực.
“Nếu không cơ cơ chế giám sát, rất có thể các điều kiện này sẽ lại xuất hiện ở các… hình thức khác, vì các bộ, ngành được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách cũng đồng thời là các cơ quan thực thi. Điều này lý giải tại sao giấy phép nhiều đến vậy, mà đa phần trong số đó là không hợp lý”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư Tài chính (VAFI) Việt Nam lý giải hiện trạng và đề xuất giải pháp sẽ giảm được 50% tình trạng này.
“Nếu tách được cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan thực thi là tốt nhất. Nhưng hiện tại, có thể lấy mô hình CIEM với những thành công trong đề xuất và xây dựng chính sách thời gian qua làm hình mẫu để nhân rộng”, ông Hải đề xuất.
Mô hình CIEM mà ông Hải nhắc tới là cơ quan được giao xây dựng, thẩm định chính sách không được giao nhiệm vụ thực thi. Đây là lý do mà ông Hải cho là CIEM đã công tâm trong các đề xuất cải cách.
“Các bộ, ngành nên thành lập đơn vị chuyên xây dựng, thẩm định và phản biện chính sách, độc lập khỏi bộ máy thực thi. Như vậy, tình trạng cài cắm lợi ích có thể giảm đi ít nhất là một nửa. Tôi đề nghị VCCI kiến nghị giải pháp này đến Chính phủ để đảm bảo tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng kế hoạch”, ông Hải kiến nghị.
Tuy nhiên, giải pháp này chưa thể làm ngay trước thời điểm 1/7 tới. Trong thời điểm trước mắt, ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin&Vecchi đề nghị thành lập một "đội đặc nhiệm" về rà soát điều kiện kinh doanh.
“Thành phần của ban đặc nhiệm này gồm đại diện giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý. Ban này cần được trao quyền tối đa để dọn dẹp tất cả các điều kiện kinh doanh bất hợp pháp, bất hợp lý, bất bình đẳng… cản trở quyền hoạt động, tự do kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hòa nêu giải pháp.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, lúc này có thể áp dụng giải pháp một nghị định sửa nhiều nghị định về điều kiện kinh doanh, để đảm bảo đến ngày 1/7/2015, không chỉ các điều kiện kinh doanh không đáp ứng yêu cầu của Luật Đầu tư sẽ hết hiệu lực mà còn “làm sạch” những rối rắm trong rừng điều kiện kinh doanh hiện tại.
Tuyết Ánh