Quy định đặt họ tên không được quá 25 chữ cái, có vi hiến?

12/05/2015 15:27 PM

Ngày 12-5, Bộ trường Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã báo cáo kết quá lấy ý kiến dân dân về việc góp ý dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi), trong đó đáng chú ý là ý kiến đề xuất họ, tên và chữ đệm của công dân Việt Nam không được vượt quá 25 chữ cái.

Dự thảo quy định “tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”.

Theo đó, đã có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh đề xuất này. Theo lập luận đề nghị, việc quy định này là nhằm hạn chế việc đặt họ, tên và chữ đệm không phù hợp với "tập quán, thuần phong mỹ tục" của Việt Nam, tên kèm tiếng nước ngoài, quá dài, không thuần Việt… Việc quy định này được cho là ngoài việc nhằm định hướng cho người dân trong việc chọn, đặt tên còn nhằm đồng bộ với quy định tại Luật Quốc tịch là người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam và người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam…

Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định về họ, tên nên trên cơ sở duy trì nền nếp văn hóa Việt Nam: “Lạ là khi Việt kiều về nước thì dùng tên Việt Nam nhưng người Việt Nam ở Việt Nam lại có tên tiếng Việt kèm theo tiếng Tây”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định điều này là hợp lý vì thực tế có trường hợp đặt tên quá dài, có tên 30 đến 40 chữ cái, ảnh hưởng đến việc thể hiện trên hồ sơ, đưa vào danh mục và giao dịch.

Nhiều người đã đặt tên con tùy theo cảm hứng, tâm trạng của mình. Ảnh minh họa

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến không đồng ý với đề xuất này và cho rằng quy định này là vi hiến vì đã trực tiếp can thiệp đến quyền nhân thân của cá nhân. Vì rằng, tên họ của một người là có liên quan đến cả cuộc đời họ, bản thân họ cũng là người sử dụng và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tên, họ của mình. Việc đặt tên thế nào là do tự cá nhân mỗi người, tùy theo sở thích mà đặt sao thì đặt, không ảnh hưởng đến người khác nên không vì lý do gì mà hạn chế quyền này. Ngoài ra, theo trào lưu, việc có kèm tên tiếng nước ngoài cũng là muốn phù hợp với tình hình giao lưu trong "thế giới phẳng" hiện nay, thuận tiện cho việc ra nước ngoài học tập và làm việc...

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề XH Trương Thị Mai cũng cho rằng ”Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Tên dài có ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng đâu! Nên khuyến khích người dân đặt tên ngắn vì đặt tên phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới con cái của họ, chứ không nên áp đặt”.

Còn bạn có ý kiến gì về việc này? Có nên quy định hạn chế độ dài của họ tên đối với mỗi công dân không? PLO chào đón mọi ý kiến đóng góp nhằm có thêm ý kiến đa chiều góp ý việc xây dựng pháp luật ngày một sát với thực tế hơn, giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tế giao dịch dân sự.

L.THANH

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,595

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]