Ảnh VGP/Thành Chung
Đây là nội dung nổi bật trong dự án Luật Trưng cầu ý dân, do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào chiều nay (12/5).
Việc xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân nhằm cụ thể hóa các điều khoản được ghi trong bản Hiến pháp năm 2013, cũng như các bản Hiến pháp trước đó, khẳng định quyền dân chủ trực tiếp của công dân, cũng như thể hiện rõ tư tưởng trọng dân, tin dân trong truyền thống của dân tộc, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Nói về những vấn đề mà QH đề nghị trưng cầu ý dân, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, đang có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát, nếu quy định cụ thể thì không bao quát hết được.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì cho rằng cần quy định một số vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân liên quan tới toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì đồng tình với phương án quy định những vấn đề đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của QH.
Về phạm vi trưng cầu ý dân, có ý kiến đề nghị trưng cầu trên phạm vi cả nước. Nhưng từ thực tế vừa qua, có ý kiến lại đề nghị có những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực thì QH vẫn quyết định trưng cầu ý dân, nhưng chỉ cần tổ chức trưng cầu ý dân ở khu vực đó, ví dụ như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hay một dự án kinh tế-xã hội có liên quan đến một hoặc một số tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, ông Uông Chu Lưu góp ý: Có vấn đề quan trọng của đất nước được trưng cầu ở địa phương thì chưa chắc nhân dân ở đó đã đồng tình, mà phải lấy ý kiến của cả nước, chẳng hạn như việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Về chủ thể đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân, ông Uông Chu Lưu cũng cho rằng, các luật đã quy định gồm các cơ quan: UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng bày tỏ cần bổ sung thêm chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân là Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng không trái với các quy định của luật pháp hiện hành.
Góp ý thêm về quy trình thực hiện trưng cầu ý dân, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần phải làm rõ vấn đề cần trưng cầu để người dân hiểu, đưa ra quyết định đồng tình hoặc không đồng ý. “Muốn vậy quy trình phải làm gọn và rõ ràng”, Chủ tịch QH đặt vấn đề.
Đồng thời, Chủ tịch QH nhấn mạnh: Sau khi trưng cầu ý dân thì QH quyết định vấn đề theo đa số.
Một số quy định của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân: Điều 5. Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân, có đủ năng lực hành vi dân sự, trừ những người được quy định tại khoản 1, 2 Điều 27 của Luật này, có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Điều 19. Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày chủ nhật, do UBTV quyết định và công bố chậm nhất là chín mươi ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân. |
Thành Chung