Thẩm quyền TAND Cấp cao ra sao?

15/05/2015 15:44 PM

Chiều ngày 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thành lập TAND cấp cao. Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, trước mắt đề xuất thành lập 4 TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Vậy TAND cấp cao có chức năng nhiệm vụ gì và sẽ hoạt động như thế nào, PLO xin giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án khác do luật định là những cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, tức có chức năng xét xử các vụ án, giải quyết các việc có tranh chấp theo thẩm quyền quy định.

Khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có quy định mới về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân. Khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định khái quát theo nguyên tắc mở về hệ thống Tòa án nhân dân. Theo đó ngoài Tòa án nhân dân tối cao, Hiến pháp không liệt kê cụ thể các Tòa án khác, mà giao cho luật định. Điều này bảo đảm tính khái quát, ổn định lâu dài của Hiến pháp và tính linh hoạt của luật phù hợp nhu cầu phát triển của đất nước trong từng thời khác nhau.

Cụ thể hoá Hiến pháp, Điều 3, Luật tổ chức Toà án nhân dân (TCTAND) năm 2014  (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2015 và thay thế cho Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002) quy định, Toà án nhân dân ở nước ta sẽ gồm bốn cấp: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân cấp cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các Toà án quân sự. Thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của TAND cấp huyện và cấp tỉnh thì vẫn giữ như hiện nay.

Các phòng xử án của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hiện vẫn nằm chung trụ sở sở với TAND TP.HCM tại số 131, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM (ảnh: T.TÙNG)

Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị bằng Hội đồng 3 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao. Như vậy TAND Cấp cao sẽ làm phần lớn nhiệm vụ của TAND tối cao hiện nay.

Câu hỏi nữa đặt ra là vậy TAND Tối cao theo mô hình mới sẽ như thế nào? Theo Luật TCTAND, Tòa án nhân dân tối cao không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác. Tòa này xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tòa này sẽ có nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về tổ chức; xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tòa còn có nhiệm vụ đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án.

Khoản 4 Điều 22 của Luật TCTAND quy định: “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”. Quy định này nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp: “Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật quy định, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

THANH TÙNG

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 52,614

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]