Về hưu bỗng rơi vào diện nghèo

15/05/2015 08:45 AM

Cách tính lương hưu áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước bất hợp lý khiến người lao động thiệt thòi.

“20 năm làm công nhân, khi nghỉ việc chỉ được nhận lương hưu hơn 900.000 đồng/tháng”. Ông Nguyễn Văn Bưởi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pungkook (KCX Tân Thuận, TP.HCM; 100% vốn Hàn Quốc), cho biết như vậy. Ông Bưởi cho rằng cách tính lương hưu áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước làm công nhân thiệt thòi. Các đơn vị, cơ quan nhà nước thì được tính lương hưu theo bình quân lương sáu năm cuối làm việc (thật ra là từ năm đến 10 năm cuối, tùy theo thời điểm tham gia BHXH - PV), còn các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thì tính theo bình quân cả quá trình tham gia BHXH (20 năm làm việc). Như vậy là không công bằng bởi tính một số năm cuối sẽ có lợi hơn tính bình quân cả 20 năm làm việc.

Vị chủ tịch công đoàn này dẫn chứng trường hợp nữ công nhân Lê Thị Duyên (sinh năm 1958), vào Công ty Pungkook làm việc từ tháng 10-1994 đến tháng 10-2013 thì nghỉ hưu. Tính đến ngày nghỉ hưu chị Duyên đã đóng 18 năm ba tháng BHXH bắt buộc. Để đủ thời gian được hưởng lương hưu (20 năm), công ty đã vận động chị đóng thêm một năm chín tháng BHXH. Theo đó, thời gian đầu làm việc (từ năm 1994), chị Duyên đóng BHXH theo mức lương 35,9 USD (thời điểm này công ty trả lương quy theo USD), đến tháng cuối cùng (4-2015) chị đóng theo mức lương trước khi nghỉ hưu là 4,2 triệu đồng/tháng. Theo quy định, mức tiền lương làm căn cứ để tính lương hưu của chị Duyên là bình quân lương tháng của 20 năm làm việc, tính ra là 1.573.000 đồng, sau đó chị được hưởng 60% của mức lương này, tương ứng số tiền 943.000 đồng/tháng.

Nhiều công nhân may khi nghỉ hưu, mức lương hưu của họ không đảm bảo mức sống tối thiểu. Ảnh: P.ĐIỀN

“Mức lương này người lao động không đảm bảo cho mức sống tối thiểu. Vì thế công ty chúng tôi lúc này có “phong trào” công nhân nghỉ việc dù họ đã làm việc hơn 19 năm” - ông Bưởi nói.

“Sắp tới có một nữ công nhân khác tiếp tục nộp đơn xin nghỉ việc. Cô này làm được 19 năm một tháng nhưng sẵn sàng bỏ việc vì muốn lấy hết tiền BHXH một lần. Tình hình này khiến các công nhân còn lại bắt đầu hoang mang” - ông Bưởi lo lắng.

Phân tích thêm về lương hưu công nhân vì sao thấp, một đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (xin giấu tên) cho rằng thời gian qua các TP lớn tập trung thu hút đầu tư nước ngoài bằng nhân công giá rẻ (rơi vào các ngành nghề như dệt may, giày da, lắp ráp điện tử…). Mức lương của họ lúc đó đủ sống. Tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay cơ chế tiền lương, đơn giá sản phẩm không theo kịp mức độ trượt giá... Do vậy nếu gộp chung tiền lương trong cả quá trình tham gia BHXH để quy ra lương hưu cho công nhân thì người lao động khi nghỉ hưu bỗng rơi vào diện nghèo (chuẩn hộ nghèo TP.HCM là 16 triệu đồng/người/năm - PV) - vị này nói.

Lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo

ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, nhìn nhận đây là thực trạng của người lao động làm việc ở nhiều ngành nghề và cơ quan BHXH Việt Nam đã tiên lượng. “Những người lao động này đã đủ tuổi nghỉ hưu, có thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện đủ 20 năm, tuy nhiên khi nghỉ lương hưu của họ thấp hơn mức lương cơ sở (1.150.000 đồng). Thậm chí có người lương hưu chỉ có vài trăm ngàn đồng, thấp hơn chuẩn nghèo” - ông Được nói.

Theo ông Được, vấn đề ở đây là chính sách an sinh lâu dài cho công nhân về hưu sẽ như thế nào để cuộc sống của họ khi về hưu đỡ khó khăn. BHXH Việt Nam đã có văn bản phản ánh tình trạng này đến Bộ LĐ-TB&XH để tìm cách tháo gỡ theo hướng cần tính toán để lương về hưu của người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu.

Quy định cách tính lương hưu

Người lao động làm việc trong môi trường bình thường được hưởng lương hưu khi có ít nhất 20 năm đóng BHXH và nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

- Người lao động làm trong khu vực Nhà nước,mức lương làm cơ sở để tính lương hưu: Tính bình quân lương tháng của năm năm cuối nếu tham gia BHXH từ trước 1995; tính bình quân sáu năm cuối nếu tham gia từ trước 2001; tính bình quân tám năm cuối nếu tham gia từ trước 2007; tính bình quân 10 năm cuối nếu tham gia BHXH từ năm 2007 trở đi.

- Người lao động làm trong khu vực ngoài Nhà nước: Tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH.

(Theo Luật BHXH   Nghị định 152/2006

hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc)

PHONG ĐIỀN

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,112

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]